Lãng phí rác

12/10/2017 00:00

(TN&MT) - Đối với nhiều nước trên thế giới rác thải được xem là nguồn tài nguyên quý giá, ở Việt Nam, từng ngày, đổ thải hàng chục nghìn tấn ra ngoài môi trường dù nhận thức được tầm quan trọng, giá trị của rác.

35.000 tấn thải bỏ mỗi ngày

Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hàng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, mỗi ngày, có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải ra. Nếu đem chôn lấp sẽ lãng phí từ 55% đến 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Nguồn thải lớn nhưng theo ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo chỉ có khoảng 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất. Trong khi đó, ô nhiễm ở bãi chôn lấp đã trở nên nghiêm trọng hơn và phổ biến trong những năm gần đây dẫn đến suy thoái đất, nước, không khí, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Nguyên nhân chính là do rác thải không được phân loại tại nguồn. Các nhà máy thiếu thiết bị, công nghệ để xử lý, phân loại rác và một phần là bởi ý thức của người dân về việc phân loại rác từ cơ sở để tái chế chưa cao, các loại rác thải vô cơ, hữu cơ không được phân loại mà bị đổ chung vào một nơi. Rác không được phân loại lại gây khó khăn cho việc xử lý bằng các phương pháp tái chế, Composting, đốt rác phát điện… Và vì vậy, “tài nguyên rác” vẫn bị lãng phí trong khi các nguồn tài nguyên khác đã và đang bị khai thác triệt để.

Chôn lấp rác thải gây lãng phí rác. Ảnh: MH
Chôn lấp rác thải gây lãng phí rác. Ảnh: MH

Ông Ingmar Stelter - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương nhìn nhận: Có 35.000 tấn rác đô thị được thải ra mỗi ngày tại Việt Nam được chôn lấp, nhưng lượng đất dùng làm bãi rác không thể dùng cho các hoạt động khác như bất động sản hay phát triển kinh tế, đây là nguồn lãng phí lớn. Theo dự báo, khoảng 10 - 15 năm nữa, Việt Nam phải sử dụng năng lượng tăng gấp 3 lần hiện nay.

Phải để rác có “đầu ra” ổn định

Tái chế rác thải thành phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Tại Việt Nam, xu thế này cũng đã bắt đầu hình thành để giải quyết cho những thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất đang ngày càng bức thiết tại nhiều nơi.

Điển hình ngày 24/4 vừa qua, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức khánh thành đi vào hoạt động tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến của Nhật Bản với công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93 MW điện.

Tuy vậy, hiện cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất điện từ rác thải đắt hơn so với các mô hình truyền thống như than. Ông Ingmar Stelter cho rằng, ý kiến trên chỉ đúng một phần bởi phải tính toán đến các lợi ích khác như không phải sử dụng đất để chôn rác, thải loại rác theo mô hình này sẽ không ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, theo ông Vũ Công Hòa, Chủ nhiệm HTX Bao bì và Cơ khí Phương Nam khẳng định, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đầu tư lắp đặt các dây chuyền xử lý, tái chế rác thải. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước hiện không được rộng cửa đầu tư vì nhiều vướng mắc, trong đó, có sự bất cập về thủ tục, giá xử lý... khiến nguồn rác thải không thể tận dụng

Để tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu từ rác thải, một số doanh nghiệp cho rằng, cần ổn định về nguồn rác cho các nhà đầu tư là vấn đề cốt yếu. Thực tế, ở Việt Nam hiện nay, nguồn rác bị lãng phí, như nguồn rác Nam Sơn, mỗi ngày, có từ 5.000 - 6.000 tấn rác được chở đi chôn lấp. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển. Đó là một nghịch lý đã diễn ra nhiều năm nay mà chưa tìm được cách giải quyết.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia nước ngoài, các bãi thải ở Việt Nam cần phải giảm việc không được kiểm soát. Đồng thời, nên sử dụng năng lượng từ khí bãi rác cũng là một cơ hội cho tương lai gần. Việt Nam có thể trở thành một thị trường công nghệ nhiệt chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đất đai ngày càng bị thu hẹp và khan hiếm. Sự giảm khối lượng chất thải thông qua xử lý cơ học – sinh học nên được đề xuất. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của nhân dân về những nguy cơ của việc vứt bỏ chất thải một cách bất hợp pháp và các hộ gia đình cần đóng góp tài chính cho hệ thống quản lý chất thải để họ nhận ra giá trị của một môi trường an toàn.

Thái Bình

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO