Đồng chủ trì Hội nghị có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng Lê Văn Thành; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng; các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: bà Nguyễn Thị Phương Hoa, ông Võ Tuấn Nhân, ông Trần Quý Kiên, ông Lê Công Thành.
Tham dự Hội nghị giao ban có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc, Phó Giám đốc Sở TN&MT 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng đông đảo phóng viên báo chí đến dự và đưa tin.
Hội nghị diễn ra vào thời điểm giữa kỳ kế hoạch 5 năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hội nghị nhằm mục đích đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương giai đoạn 2016-2018. Đây là dịp Bộ TN&MT lắng nghe ý kiến từ thực tiễn của các địa phương, cơ sở để hoàn thiện các chủ trương chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT giai đoạn 2019-2021; huy động nguồn lực TN&MT đóng góp cho yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tại Hội nghị, đại diện các Sở TN&MT Điện Biên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã trao đổi, thảo luận bàn về một số lĩnh vực trọng tâm của ngành tài nguyên và môi trường như môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, viễn thám, biển và hải đảo…
Trong lĩnh vực đất đai, các đại đã tập trung nêu các vấn đề: Sớm hoàn thiện thống nhất phần mềm chung cho triển khai CSDL đất đai của các tỉnh, sớm cho triển khai dự án này; Tham mưu cho Chính phủ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 và sớm báo cáo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, trong đó cần xem xét tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các Nhà đầu tư lớn, có năng lực, có uy tín triển khai các công trình, dự án trọng điểm không phải thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất; Đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hướng đẫn thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư trực tiếp vào khu công nghiệp, khu kinh tế hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án này; Cần có chủ trương quy định và tạo hành lang mở để các địa phương tự chủ về kinh phí và tự chủ về đặt hàng xây dựng các các giải pháp và phần mềm phục vụ chỉnh lý thường xuyên bản đồ địa chính (tạo sự chủ động sáng tạo của địa phương-phù hợp thực tiễn từng địa bàn), đảm bảo bản đồ hồ sơ địa chính đủ độ tin cậy và luôn phù hợp thực địa, tránh lãng phí ngân sách đã đầu tư cho đo đạc bản đồ.
Trong lĩnh vực môi trường, các đại biểu đã tập trung nêu một số vấn đề: đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường cho cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường; Đưa phương án hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, hỗ trợ các trang thiết bị máy móc cho Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để phục vụ cho công tác quan trắc tự động, kiểm soát ô nghiễm môi trường thượng nguồn lưu vực sông; Hướng dẫn phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó quy định rõ nguồn kinh phí thực hiện. Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nông thôn có nhiều mô hình xử lý tuy nhiên vẫn có những mô hình chưa tận mắt thăm quan, mong muốn thống nhất công bố các mô hình; Xem xét cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải…
Trong lĩnh vực khoáng sản, các đại biểu tập trung vào các vấn đề đề nghị Bộ sớm có có văn bản hướng dẫn về đấu giá khoáng sản; Đề nghị nghiên cứu bỏ thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định Đề án đóng cửa mỏ, yêu cầu đơn vị thực hiện theo Phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; Sớm phê duyệt đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền Bộ, sớm thẩm định các dự án về điều tra, đánh giá khoáng sản; Đề nghị sớm điều chỉnh các Quy hoạch khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản như: các mỏ, khu vực khoáng sản (xác định vùng giới hạn của khu mỏ) - trước đây chỉ có tọa độ địa lý trung tâm hoặc địa danh gây khó khăn trong công tác quản lý; Đề nghị Bộ xem xét bổ sung thêm Điều, khoản quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi nhỏ lẻ với quy mô hộ gia đình, cá nhân tại các nhánh sông, suối nhỏ với trữ lượng khoáng sản cát, sỏi nhỏ, không thành mỏ và chủ yếu chỉ khai thác theo mùa vụ theo hướng đơn giản như trên để giảm suất đầu tư xây dựng công trình tại vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; tránh thất thoát, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân giải đáp các kiến nghị của các địa phương về các vấn đề: cơ chế chính sách pháp luật thực hiện các quy định về tài nguyên môi trường. Đường dây nóng phản ánh những bất cập, sự cố về môi trường, công tác xử lý rác thải, xử lý môi trường tại các khu công nghiệp tập trung, công tác xử lý phế liệu. Đồng thời, thứ trưởng quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ TN&MT trong công tác xử lý môi trường tại các địa phương. Đồng thời, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với các địa phương, địa phương với địa phương và địa phương với doanh nghiệp để kịp thời thông tin, xử lý, khắc phục các sự cố môi trường nếu xảy ra.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đây là cuộc họp giao ban quan trọng đầu tiên, hết sức đặc biệt với ngành TN&MT nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Bộ với các Sở TN&MT địa phương để cùng đồng trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ to lớn của ngành. Tổng hợp ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tới các nhóm vấn đề được quan tâm như đã thẳng thắn phát hiện các vấn đề còn vướng mắc trong cơ chế chính sách pháp luật; đã đưa ra một số bài học thực tiễn, mô hình kinh nghiệm thực tế hay được triển khai tại các địa phương; cũng như đề xuất một số nội dung về cơ chế cần được bổ sung, hoàn thiện; định hướng đổi mới cơ chế chính sách từ bị động sang chủ động phòng ngừa; nhìn nhận các khó khăn trong triển khai thực tiễn tại địa phương; vấn đề tổ chức thực hiện chính sách pháp luật…
Đặc biệt, tại Hội nghị, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của Ngành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo các Sở TN&MT tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ cần thiết lâu dài để chuyển từ bị động sang chủ động; hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp chức năng nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại địa phương; đổi mới phương pháp quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cơ sở vật chất, trong đó nhấn mạnh tới việc triển khai hệ thống tương tác, chỉ đạo điều hành trong toàn Ngành…
“Hội nghị giao ban này là tiền đề quan trọng nhằm thiết lập hệ thống trao đổi thông tin, điều hành của toàn ngành để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện các cơ chế chính sách, hệ thống quản lý điều hành của ngành TN&MT. Đồng thời, đây cũng là cơ hội chia sẻ, giao lưu, tạo sự kết nối, gần gũi, cởi mở, cùng đoàn kết - thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý TN&MT” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.