Làng "cui đục" thoát nghèo

02/02/2016 00:00

(TN&MT) - Xứ đạo Vạn Lộc (xã Nam Lộc- Nam Đàn- Nghệ An) nằm sát bên sông Lam. Xưa nay, nơi đây nổi tiếng khắp vùng với nghề dựng nhà sàn cho đồng bào các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ. Từ cha truyền sang con, nghề mộc đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp bà con từng bước thoát nghèo.

Nghề cha truyền con nối

Ông Cao Hòa (xóm 4, Nam Lộc, Nam Đàn) đã 65 tuổi nhưng có đến gần 40 năm gắn bó với nghề mộc – cái nghề được người dân nơi đây gọi với cái tên dân dã, gắn với dụng cụ làm nghề của họ - nghề cui đục. Ông lên rừng từ lúc ngoài hai mươi tuổi, là một trong vài người đầu tiên của làng mộc dưới xuôi này đặt chân lên bản Mèo. “Thời trước có lúc tui đi bè, chặt nứa ngược sông Giăng thì gặp nhiều thợ mộc ngoài Bắc vào làm nhà sàn cho bà con dân tộc. Cũng vất vả, cực khổ nhưng cũng kiếm được tiền mà không nguy hiểm bằng cái nghề chặt nứa. Làng tui cũng có nghề mộc, răng không thể lên đây mà làm? Nghĩ rứa, tui về làng rủ thêm vài anh em vác cui đục lên rừng kiếm việc”  - ông Hòa cho biết.

Một tổ thợ mộc Nam Lộc đang làm nhà tại xã Châu Khê (Con Cuông – Nghệ An).
Một tổ thợ mộc Nam Lộc đang làm nhà tại xã Châu Khê (Con Cuông – Nghệ An).

Nhớ lại cái thời “khởi đầu nan” đó, ông Hòa bùi ngùi kể ra cơ man chuyện “ngược rừng”. Lần đầu tiên tìm đường vào bản, đoàn cui đục của ông đã mất 7 ngày cuốc bộ với lỉnh kỉnh đồ nghề, gạo mắm trên vai. Bàn chân đã quen với đường bằng, giờ ngược núi vào bản thành ra chật vật quá. Ấy là chưa kể đến chuyện bất đồng ngôn ngữ với đồng bào. Mấy gã đàn ông chỉ biết mỗi tiếng Kinh, vào bản nói chuyện mỏi cả tay mà chẳng ai hiểu ai cả. Rồi những lần nhìn đoàn thợ mộc nhếch nhác mang “hung khí”, đồng bào tưởng là thổ phỉ đuổi đánh, anh em chạy bán sống bán chết… Mấy mươi năm ngược núi làm nghề với hy vọng sống được với cái nghề cha ông truyền lại, phải vượt bao nhiêu con đèo, lội bao nhiêu con suối, đi qua bao nhiêu bản làng, dựng bao nhiêu căn nhà cho đồng bào, chính ông Hòa cũng không nhớ nổi.

Nghề cha truyền con nối nên hầu như đám con trai đàn ông trong làng ai cũng biết cầm cui cầm đục. Nghèo, đồng nghĩa với thất học, trẻ con chua kịp lớn lên đã được truyền nghề nhưng không phải ai cũng sống được với nghề tổ tiên truyền lại. Trong khi bàn ghế, giường tủ ngoài Bắc tràn về, cái nghề cui đục lại càng lay lắt hơn. Nhiều nhà thoảng hoặc mới lôi cui đục ra làm nghề, chủ yếu đóng những vật dụng trong nhà. Không có khách hàng, thấy mấy người sống được bằng cách lên núi dựng nhà sàn cho đồng bào, người người ùn ùn kéo nhau đi. Có thời điểm, cả làng chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ con. Có nhà cả cha con, anh em kéo nhau lên rừng, ở miết trên đấy cả năm trời. “Có năm tui đi từ mồng 6 Tết cho đến 27 tháng Chạp mới về. Đồng bào cứ năn nỉ làm cho xong nhà, xong cái này lại có người thuê làm cái khác, không dứt ra được mà về. Giờ cái nghề cui đục của Nam Lộc bầy tui có tiếng lắm đó”- ông Hòa tự hào khoe.

Một góc “làng cui đục” hôm nay.
Một góc “làng cui đục” hôm nay.

Mỗi công thợ mộc bây giờ được trả  khoảng từ 170.000đ - 200.000đ, tuy vất vả cực nhọc nhưng từng đó tiền cũng đủ để người dân nơi đây trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Cũng bởi không phải lo chạy ăn từng bữa nên người dân nơi đây đã biết chăm chút cho tương lai con cái hơn trước. Mấy năm trở lại đây, gần như 100% trẻ con đến tuổi được ra lớp, làng có nhiều sinh viên đại học, cao đẳng.Tình trạng bỏ học giữa chừng cũng gần như không còn.

Trên khắp rẻo cao của các huyện biên giới Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu… hầu như ở đâu cũng đã từng lưu giữ dấu ấn của thợ mộc Nam Lộc. Những tay thợ sành sỏi nhất phần lớn cũng mới chỉ học hết lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn tính toán góc cạnh, hệ số, công thức Pi-ta-go trong chốc lát. Tôi đã há hốc miệng khi thấy ông Hòa có thể “tính nhẩm” độ dốc mái nhà, chiều dài cầu thang,… chỉ trong ít giây. “Tính nhiều, sai sót nhiều nên giờ bọn tui đều đã thuộc lòng hết” - ông Hòa cười mỉm. Sống lâu với đồng bào, giờ bất kỳ thợ mộc Nam Lộc nào cũng có thể nói tiếng Thái, tiếng Mông “như gió”.

Xây nhà lầu, sắm ô tô

Họ đi làm nhà sàn cho đồng bào, còn những căn nhà tranh xiêu vẹo ở quê của họ cũng dần dần được thay thế bằng nhà bê tông, ngói mới. Nam Lộc ngày một thay da đổi thịt. Cái tên “làng cui đục” có vẻ chua chát nhưng vẫn khiến người dân nơi đây tự hào. Họ đã đổi đời cũng từ cái tên ấy. Chừng 10 năm trở lại đây, không ai còn nhận ra ngôi làng nghèo khó nằm ẩn mình dưới rừng cây lùm xùm của dãy Thiên Nhẫn nữa. Làng giờ vẫn vắng bóng đàn ông, nhưng đã xuất hiện những ngôi nhà khang trang kiên cố, đường được đổ bê tông, xe máy nườm nượp như trẩy hội.

Từ khi các dự án thủy điện được triển khai, các khu tái định cư được xây dựng thì cũng là lúc thợ cui đục làm không hết việc. Đầu tiên phải phải nói đến từ dự án Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An). Hàng nghìn hộ dân sống trong khu vực lòng hồ thủy điện đã được di dời đến các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương. Đồng nghĩa với đó là nhu cầu dựng mới hàng nghìn căn nhà cho đồng bào sớm ổn định cuộc sống. Thời điểm đó, thợ mộc Nam Lộc gần như không có khái niệm về thăm nhà bởi công việc quá nhiều. Anh Nguyễn Văn Hùng, một phó thợ lâu năm ở xóm 4 nhẩm tính: “Trong khu vực tái định cư ở Thanh Chương, mỗi năm tôi làm hàng chục căn nhà sàn. Tính ra, mỗi tháng thợ phó như tôi cố kiếm cũng được trên dưới 10 triệu, còn thợ phụ cũng mức 5-6 triệu”. Khi dự án xây dựng khu tái định cư Thủy điện Bản Vẻ hoàn thành cũng là lúc, hàng trăm thợ mộc Nam Lộc rồng rắn kéo nhau sang định cư tại huyện Quế Phong, nơi đang triển khai dự án xây dựng Thủy điện Hủa Na.

Ông Nguyễn Văn Hùng đã gắn bó với cui đục suốt 40 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hùng đã gắn bó với cui đục suốt 40 năm nay.

Khi “thương hiệu” được khẳng định cũng là lúc thợ mộc Nam Lộc được giới lắm tiền thích chơi sang xứ Nghệ để mắt tới. “Dù là thợ làng nhưng xét về trình độ kỹ thuật thì thợ mộc Nam Lộc không hề thua kém bất kỳ một đội mộc ngoài Bắc nào”, ông Nguyễn Văn Chức - một thợ mộc lâu năm ở Nam Lộc cho biết. Năm bắt tâm lý của những “đại gia” thích ở nhà sàn, nghề mộc bắt đầu có xu hướng “dịch chuyển” từ các vùng sâu, vùng xa ra khu vực trung tâm các huyện lỵ và dọc quốc lộ, thậm chí còn xuôi xuống Vinh để tham gia những căn nhà sàn bạc tỷ của giới lắm tiền xứ Nghệ.

Và trong cái bối cảnh đó, làng cui đục cũng xuất hiện nhiều đại gia phất lên nhờ cách làm ăn táo bạo. Khởi đầu từ nghề làm mộc nhưng do có tầm nhìn, ông Nguyễn Văn Chức (xóm 3 Nam Lộc) đã chuyển qua thầu khoán các công trình tập thể ở miền núi rồi về thuê thợ mộc trong làng làm. Sau vài chục năm lăn lộn ngược xuôi, ông Chức đã ghi tên trong giới “đại gia” xứ Nghệ. Ngay ở Nam Lộc, một căn nhà 2 tầng ở trung tâm xã đã được dựng lên, con Toyota Altis mới cóng cũng đã được tậu để ông chủ vi vu kiếm hợp đồng. Ngoài ra ông còn có một dinh cư bằng gỗ tại thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) và nhiều mảnh đất có giá trị rải rác ở các thị trấn, thị tứ và cả ở Tp Vinh.

Nếu như ông Chức nổi danh trong giới thợ mộc lâu năm thì các đại gia chới nhà gỗ ở TP. Vinh và các huyện lân cận lại quen mặt với “sếp trẻ” Nguyễn Văn Hưng (xóm 4, Nam Lộc). Mặc dù chỉ mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Hưng đã có một vị thế đáng nể trọng ở “làng cui đục”, chỉ huy khoảng 20 thợ mộc và đứng nhận những công trình giá vài tỷ trở lên. Ông chủ trẻ này cũng đã có trong tay một dinh cơ hoành tráng tại quê nhà và sở hữu  1 chiếc GM Chevrolet khá sang trọng.

“Nam Lộc xưa nay luôn là cái rốn lũ của vùng 9 Nam, việc sản xuất đồng áng của bà con, đặc biệt là vụ đông luôn bất ổn và thường hay mất mùa. Nhờ các cấp ủy và chính quyền luôn bám sát chỉ đạo, cũng như sự cần cù và năng động của bà con mà chúng tôi từng bước thoát nghèo. Dù là xã toàn tòng (hơn 90% dân số là giáo dân công giáo – pv) thế nhưng an ninh trật tự luôn được đảm bảo, các tệ nạn xã hội cũng ít khi xuất hiện” – ông Nguyễn Xuân Lành, Bí thư đảng ủy xã Nam Lộc.

 

Bài & ảnh: Đình Tiệp - Anh Cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng "cui đục" thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO