Trăm thiếu, nghìn khổ
Ngay dưới chân cầu Sâng, phố Thành Công (phường Đông Thọ, TP. Thanh Hóa) vẫn luôn tồn tại một làng chài nhỏ bé nằm gọn giữa phố xá tấp nập, những công trình hiện đại. Được người dân gần đây gọi với cái tên xóm chài Âu Thuyền với hơn 20 hộ dân, mỗi hộ đều sống trên một con thuyền được làm từ xi măng, bạt phủ tạm bợ, trên thuyền là những vật dụng đơn giản, thô sơ. Dễ dàng nhận thấy chiếc tivi và quạt điện được những người dân cho lại là tài sản lớn nhất của họ ngoài chiếc thuyền, sự thiếu thốn đến tột cùng luôn hiện hưu trên mỗi căn “nhà nổi”.
Đi qua một con thuyền nhỏ, tôi bước vội lên con thuyền đậu gần bờ nhất, thấy tôi lũ trẻ con trở nên nhốn nháo, chạy khắp thuyền, có đứa thì e thẹn trốn sau lưng mẹ. Chọn góc nhỏ của con thuyền để trò chuyện với một lão niên trong xóm chài, dưới cái nắng nhẹ của những ngày cuối xuân mái tóc bạc trắng, làn da đen xạm, gương mặt hốc hác là những gì mà tôi thấy rõ nhất từ con người đã hơn 40 năm sống lênh đênh sông nước.
Nhìn thẳng vào mặt tôi, cụ Nguyễn Văn Chinh (70 tuổi) vừa nói vừa xua tay: Năm 19 tuổi tôi đi lính, sau đó sống một thời gian trong Sài Gòn, đến năm 1970 về quê nhưng nhà cửa không có, bố mẹ và anh em dành dụm tiền mua được con thuyền, nhờ con thuyền gia đình đánh bắt ven sông để sinh sống. Dần dần anh em trong nhà lấy vợ gả chồng, nên phải đổi sang con thuyền to hơn, có những lúc cả ba thế hệ đều sống chung trên một con thuyền.
Ông kể thêm, những năm trước do chưa xin mắc điện từ các hộ dân hai bên bờ sông, ban tối mọi sinh hoạt của 3 thế hệ trên thuyền phụ thuộc vào chiếc đèn dầu, cuối năm 2016 thì mới kéo được điện xuống thuyền. Đa phần các hộ dân sống ở thuyền đều sử dụng nguồn nước ôi nhiễm dưới sông vào việc tắm, rửa, do thiếu thốn đủ thứ vì vậy đồng tiền được sử dụng sao cho hợp lý nhất. Mua nước sạch có giá từ 20.000đ-40.000đ/m3, nhiều lúc chỉ dám sử dụng vào việc ăn, uống.
Đang ngồi vá chiếc áo đã rách trong khoang thuyền, chị Nguyễn Thị Hệ (36 tuổi) tâm sự: Vào mùa hè khi nước ở sông cạn, mọi sinh hoạt trở nên khó khăn hơn bao giờ hết do không có nước để tắm rửa, đó là chưa kể đến lượng rác thải ứ đọng dưới lòng sông bốc mùi hôi thối, bệnh tật lại đeo bám người dân làng chài. Lượng cá, tôm đánh bắt hàng ngày của mỗi hộ chỉ vỏn vẹn trên dưới 100.000đ, mọi đồng tiền dành dụm và thu nhập hàng ngày đều đổ hết vào thuốc thang và mua nước sạch sinh hoạt.
Thiếu thốn về điện và nước sinh hoạt, diện tích sinh sống chật hẹp, hơn 30 hộ dân của làng chài đang sinh sống bên cầu Sâng còn đối mặt với nguy cơ bệnh tật từ nguồn nước sông ôi nhiễm, rác thải bốc mùi hôi thối. Đó còn chưa kể đến những ngày mưa bão không biết họ sẽ phải xoay sở như thế nào.
Chỉ muốn lên bờ
Đó là ước muốn của hơn 30 hộ dân của làng chài Âu Thuyền, họ muốn lên bờ để ổn định cuộc sống, được cho con cái học hành “tới nơi, tới trốn”, để thế hệ sau không còn khó khăn, cơ cực lênh đênh sông nước. Do hoàn cảnh khó khăn, có khi chạy ăn từng bữa nên nhiều gia đình đã cho con nghỉ học ngay sau khi học hết cấp 1, nghỉ học những đứa trẻ theo bố mẹ ngày ngày đi đánh bắt ở những con sông lớn và lo chăm em, cơm nước, dọn dẹp.
Ngồi bên bên em út mới tròn 6 tháng tuổi vừa chợp mắt, tay cầm cuốn sách đã quăn mép, em Nguyễn Thị Cúc (15 tuổi) kể: Nhà em bố mẹ sinh được 11 anh em, do hoàn cảnh khó khăn nên các anh em trong nhà người thì không được học, người thì học hết lớp 3, giờ nghỉ học ở nhà, em xin vào một nhà hàng để làm phục vụ. Bố mẹ em đều làm phụ hồ trên bờ cả, thời gian rảnh thì anh em trong xóm rủ nhau đi học thêm ở các lớp tình thương. Ngay từ nhỏ bố mẹ đã dạy anh em trong nhà học bơi để lỡ có ngã xuống sông còn tự cứu được mình.
Khi được hỏi các em có muốn lên bờ và đi học không, tất cả đều hiện lên ánh mắt hy vọng, hạnh phúc nhưng có điều gì đó nghẹn ngào, day dứt không diễn tả lên thành lời. Khi hằng ngày các em đều thấy những bạn cùng trang lứa cắp sách đi học vui đùa dọc hai bên bờ thì ước mong tới trường lại nhen nhóm, hy vọng.
Đang ngồi trầm ngâm bên ấm trà pha loãng, anh Nguyễn Văn Lợi (40 tuổi) vừa nhìn lên những ngôi nhà xây sát nhau ở hai bên bờ vừa nói: Hoàn cảnh không có nên khi các cháu biết đọc, biết viết là cho nghỉ, khi nước lên cả nhà lại ra cửa sông đánh cá, tận chiều muộn mới về, bữa nào trúng thì bán được 150.000đ. Chỉ giữ lại những con cá nhỏ phục vụ trong gia đình, còn cá lớn phải đem bám, mấy năm trước có nhiều hộ đã mua đất làm nhà trên bờ, trong lòng cũng xót xa. Sau thời gian gom góp được ít vốn liếng định mua đất làm nhà nhưng con cái lại ốm nên đành thôi.
Mua được mảnh đất, cất được căn nhà là mong muốn đời đời của nhiều thế hệ đang sinh sống ở lành chài Âu Thuyền, phố Thành Công, có lẽ họ đã chán ngấy với cuộc sống bấp bênh sông nước trên những con thuyền chật hẹp, ai ai cũng ước mơ con cái được học hành tử tế. Tuy cuộc sống có thiếu thốn, khó khăn đủ bề nhưng những nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ nơi đây, cách sống “tối lửa tắt đèn có nhau” của các hộ gia đình khiến họ luôn yêu đời lạc quan. Chắc chắn cuộc sống trên bờ sẽ an toàn hơn rất nhiều so với sống chung với sự ô nhiễm của dòng sông hay thiên tai bão lũ của thiên nhiên.