Lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ Sông Tiêm: Bài 2 - Gỗ lậu vượt rừng về xuôi

28/08/2014 00:00

(TN&MT) - Gỗ lậu được các đối tượng xẻ thành bê lớn nhỏ tập kết tại khe suối, sau đó vận chuyển bằng xe công nông, xe kéo đi về xuôi...

   
(TN&MT) - Gỗ lậu được các đối tượng xẻ thành bê lớn nhỏ tập kết tại khe suối, sau đó vận chuyển bằng xe công nông, xe kéo đi về xuôi. Để ra khỏi địa bàn tiêu thụ thì chỉ duy nhất đi theo con đường độc đạo, được kiểm soát của của các lực lượng gồm Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, Đồn Biên phòng Phú Gia, Hạt Kiểm lâm Hương Khê...
   
   
Cuộc “đàm phán” trên cung đường độc đạo
   
  Rời thượng nguồn rừng phòng hộ Sông Tiêm khi bóng chiều ngả xuống, sau thoát nạn tại Tiểu khu 247, trên con đường độc đạo trở về thị trấn Hương Khê chúng tôi bắt gặp nhiều phương tiện xe máy sắp đầy gỗ được xẻ hình hộp nhỏ chuẩn bị về xuôi mà không có biểu hiện lén lút. Phải khẳng định, để đưa gỗ từ Tiểu khu 247  ra khỏi địa bàn chỉ có đường duy nhất buộc phải vượt qua 5 chốt chặn của các lực lượng  chức năng nên chúng tôi gọi đây là con đường độc đạo. Nhưng không hiểu gỗ sẽ lọt qua bằng cách nào?.
   
  Đang loay hoay tìm lời giải thì anh bạn dẫn đường một lần nữa đồng ý giúp chúng tôi. Tuy nhiên, phải đáp ứng điều kiện của anh K: Trả công xứng đáng, không được chụp ảnh người dẫn đường vào máy nếu không tư liệu trong quá trình tác nghiệp sẽ cho người thu giữ. Sau khi suy nghĩ thiệt hơn, vừa để an toàn vừa có thông tin chính xác, chúng tôi đã thống nhất để anh K đưa ra khỏi địa bàn mà không bị phát hiện. Theo gợi ý của người bắt mối trước đó, trên đường ra Bộ đội Biên phòng sẽ kiểm tra nghiêm ngặt nhất là đối với người lạ, nếu để phát hiện sẽ không hay vì đây là khu vực biên giới. Mặc dù vậy, chúng tôi đã trở về thị trấn Hương Khê một cách thuận lợi.
   
   
  Khoảng 15giờ 30 phút về đến thị trấn Hương Khê , bất ngờ cơ sở báo tin cho anh K, một xe công nông lắp đầy 12 bê gỗ hộp đang chuẩn bị xuất phát. Chỉ ít phút sau, điện thoại của anh K tiếp tục đổ chuông, phía bên kia đầu dây nói có phần trách móc. Anh K bật loa ngoài cho chúng tôi nghe cuộc đàm thoại.
   
  Phía bên kia: Sao hôm nay các ông khó tính. Họ không cho đi!
  Anh K hỏi: Ai không cho, già  hay trẻ?
  (Tạm dịch là anh gác trạm nhiều tuổi không cho đi hay anh ít tuổi – PV ).
  Phía bên kia liền đáp: Già không cho,, đưa rồi mà không nhận !.
  Anh K nói: Có trùm bạt không, mấy bê
  Phía bên kia: Không trùm bạt. Có 12 que (12 bê)
  Anh K: Chúng  mày có bị chi không. Đi giữa ban ngày thì lấy bạt trùm vào,  a-b-c để về tau lo sau...
   
  Cuộc trao đổi bằng điện thoại nhanh gọn, anh K liền bấm máy gọi tiếp mà theo phỏng đoán của chúng tôi là gọi người trực chốt đang giữ xe gỗ để tìm hiểu lý do. Và, kết quả chỉ mười lăm phút sau chiếc xe chở 12 bê gỗ hộp báo lại đã đi lọt qua trạm kiểm soát một cách “thông thường”. Anh K cảm thấy đắc ý trở lại trò chuyện sau khi “điều khiển” gỗ lọt trạm: “Các chú không biết chứ bác thì nhiều bồ, toàn quen biết qua những lần nhờ xin xe gỗ, muốn đưa gỗ ra khỏi rừng dân buôn gỗ toàn phải nhờ ”.
   
  Tâm trạng của anh K làm cho cuộc trò chuyện thêm cởi mở: Số gỗ trong rừng hôm nay đã quay phim phải bốn ngày nữa mới ra. Muốn thực tế thì phải kín đáo một tí.... Gỗ lậu được các ông chủ đứng ra thuê người làm, tập kết trong khoảng một tuần rồi mới đưa về xuôi. Khi nào đưa ra anh sẽ báo...”- Đó là lời anh K nói với chúng tôi. Để chủ động cho kế hoạch sắp tới, người bạn đồng nghiệp của tôi ở báo khác liền hỏi: Đưa gỗ ra ngoài chắc cũng khá tốn kém đó anh nhỉ ?. Anh K đáp: Xe vừa rồi cũng hết 6 chai (6 triệu), lo từ A-Z, còn cụ thể dài lắm, tùy thuộc vào lượng gỗ, giờ giấc và rủi ro, gỗ chủ yếu ra vào buổi tối. Và, anh K không quên nhắc nhỡ, các nhà báo viết nhẹ tay anh em còn đường làm ăn...!.
   
   
Lực lượng chức năng đã bị “qua mặt”?
   
  Làm việc với Đồn Biên phòng Phú Gia, Trung tá Trần Mạnh Hùng -Chính trị viên cho biết: “Từ đơn vị về thị trấn Hương Khê chỉ duy nhất có một con đường có thể lưu thông bằng phương tiện vận tải. Nếu có gỗ lậu thì cũng rất khó để có thể lọt qua sự kiểm soát của các lực lượng cắm chốt trên tuyến đường. Đầu năm đến nay, lực lượng chúng tôi chưa phát hiện và bắt giữ trường hợp nào liên quan đến hoạt động gỗ lậu”.
   
  Thiếu tá Hồ Sỹ Thắng - Phó Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết thêm khi đề cập đến hoạt động gỗ lậu: “Không biết các anh nắm thông tin ở đâu nhưng nói khai thác gỗ lậu thì to tát quá, chỉ là ít cái cành còn sót lại người dân vào rừng tận dụng. Rừng phòng hộ Sông Tiêm làm gì còn gỗ nữa mà khai thác”. Anh Thắng  chia xẻ, vẫn còn những vấn đề này khác để chúng tôi nắm lại vì  phần lớn anh em ở đơn vị đều mới chuyển về công tác.
   
   
  Ông Dương Ngọc Anh - Phó Hạt Kiểm lâm Hương Khê - Hà Tĩnh (phụ trách pháp chế) cho biết, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn như phóng viên phản ánh thì chỉ xảy ra những năm trước, còn từ đầu năm lại nay chúng tôi luôn phối hợp và có mặt cùng lực lượng Đồn Biên phòng Phú Gia kiểm soát chặt chẽ và không phát hiện trường hợp nào vi phạm.
   
  Trong khi lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng khẳng định chắc chắn không có chuyện gỗ được vận chuyển từ rừng phòng hộ Sông Tiêm ra khỏi địa bàn.  Ông Nguyễn Hữu Thinh, Quyền trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm (đơn vị chủ rừng) cho biết diện tích rừng đơn vị quản lý luôn được thực hiện nghiêm ngặt và không hề có chuyện gì, đầu năm lại nay chỉ mới bắt giữ một trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép nhưng số lượng nhỏ, đơn vị đã xử lý kịp thời.
   
  Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngày 18/8/2014, các đơn vị gồm Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu, Hạt Kiểm lâm Hương Khê  đã có sự phối hợp kiểm tra tại Tiểu khu rừng 247 thuộc rừng phòng hộ Sông Tiêm. Tuy nhiên, kết quả báo cáo tại buổi làm việc sau đó với phóng viên Báo TN&MT, Báo Hà Tĩnh lại không phát hiện bất kỳ một hoạt động nào có dấu hiệu khai thác lâm sản trái phép. Chính ông Thinh (Ban quản lý rừng phòng hộ sông tiêm) trực tiếp tham gia đã chia sẻ như vậy.
   
   
  Theo kiểm đếm của chúng tôi, gỗ lậu có thể “chui lọt” ra khỏi cửa rừng phải qua 2 trạm bảo vệ rừng, 3 tổ bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm; Đồn Biên phòng Phú Gia; trạm Kiểm lâm Ga thuộc Hạt Kiểm lâm Hương Khê. Nhưng có một thực tế nhìn thấy rõ suốt chặng đường độc đạo gần 30km từ Đồn Biên phòng Phú Gia về đến thị trấn Hương Khê, gỗ lậu có mặt hầu hết trong các nhà dân, ngõ xóm dấu vết còn tươi mới. Câu hỏi được đặt ra, số gỗ trên đi ra từ đâu?.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
   
Bài & ảnh: Đức Cảnh- Bảo Trung
   
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm tặc tàn phá rừng phòng hộ Sông Tiêm: Bài 2 - Gỗ lậu vượt rừng về xuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO