Làm sao chung sống an toàn với bão lũ?

17/07/2014 00:00

(TN&MT) - Mỗi năm các tỉnh miền Trung chịu hàng chục cơn bão, lũ, thiệt hại vô cùng nặng nề về người, tài sản...

(TN&MT) - Mỗi năm các tỉnh miền Trung chịu hàng chục cơn bão, lũ, thiệt hại vô cùng nặng nề về người, tài sản. Không những thế, bão lũ còn tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và kỹ thuật; khiến hàng trăm người chết, mất tích hoặc bị thương, thiệt hại tính bằng tiền tương đương 1% GDP.
   
Thiên tai, bão, lũ ở miền Trung ngày càng khắc nghiệt.
   
Giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão gây ra cho người dân
   
  Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khu vực miền Trung thiên tai thường xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh với diễn biến khó lường, không theo quy luật; trong đó nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đặc biệt là thiệt hại về nhà ở, đồng thời làm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hàng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai bão, lũ gây ra. Sau mỗi trận bão lớn, tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
   
  Để giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão gây ra cho người dân, đặc biệt là người nghèo tại hai khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung là những nơi thường xuyên có bão, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án: Hỗ trợ nhà ở phòng, tránh bão cho hộ nghèo khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung.
   
  Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế tại những địa phương thường xuyên có bão, đề án đã tập trung nghiên cứu, đánh giá đặc điểm, tính chất của bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta nói chung và ảnh hưởng đến khu vực duyên hải miền Bắc và miền Trung nói riêng; đề án đã đánh giá thực trạng nhà ở và khả năng chống chịu của nhà ở trước tác động của bão, áp thấp nhiệt đới; đánh giá các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn phòng, chống bão trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng nhà ở; đánh giá các biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống bão của các địa phương và người dân. Trên cơ sở các nội dung nghiên cứu trên, đề án đã đề xuất các nhóm giải pháp đảm bảo an toàn nhà ở, phòng, chống tác động của bão, áp thấp nhiệt đới, bao gồm các nhóm giải pháp thực hiện thường xuyên, lâu dài và nhóm giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay.
   
  Qua phân tích cho thấy: Đối với nhóm giải pháp thực hiện thường xuyên, lâu dài cần phải thực hiện trong nhiều năm; quá trình thực hiện có sự liên quan tới nhiều Bộ, ngành và địa phương, đồng thời cần nguồn lực rất lớn từ Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, việc huy động nguồn lực còn nhiều khó khăn, trong khi thiên tai, bão, lũ vẫn liên tiếp xảy ra và ngày càng khốc liệt. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thường xuyên, lâu dài thì trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, phù hợp và có tính khả thi để trong thời gian ngắn, các hộ dân vùng thường xuyên xảy ra bão có nhà ở an toàn, hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
   
Tầm nhìn dài hạn cho các đô thị ven biển
   
  Một Đề án nghiên cứu mới đây của Bộ Xây dựng về chung sống an toàn với lũ, lụt tại các tỉnh miền Trung, với 11 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Phú Yên, đã chỉ ra rằng, đây là khu vực đã và đang phải chịu nhiều tổn thất nhất mỗi khi mùa mưa bão đến. Tại khu vực này có 9 thành phố, 8 thị xã và 119 huyện, diện tích gần 80 ngàn km2 (79.370,5 km2) chiếm 25% diện tích cả nước, dân số trên 15 triệu người (15.540.000 người) chiếm hơn 18% dân số của cả nước. Những số liệu sơ bộ mà Bộ này đưa ra cho biết, sẽ có trên 70 huyện thị, 450 xã phường, 720.000 hộ, với khoảng 3.500.000 người ở vùng bị ảnh hưởng thường xuyên của lũ, lụt; trong đó có khoảng 21.000 hộ nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm cần di dời. Khi được triển khai, đối tượng thụ hưởng trực tiếp sẽ là ngưòi dân trong vùng thường xuyên lũ, lụt, bao gồm: Hộ dân trong vùng đặc biệt nguy hiểm, phải di dời; Hộ dân trong vùng thường xuyên bị lũ, lụt phải cải tạo, nâng cấp nhà ở kiên cố, đảm bảo an toàn trong bão, lũ, lut; Hộ dân nghèo sống trong hai vùng trên.
   
  Để chung sống an toàn với lũ, lụt tại các tỉnh miền Trung, thời gian tới, các ngành chức năng cần xây dựng các mục tiêu cơ bản, lâu dài như: Xây dựng cơ sở dữ liệu hiện đại, đánh giá quá trình diễn biến thiên tai, dự báo các tác động của bão, lũ, lụt tới các khu dân cư, các khu kinh tế và các khu chức năng khác tại vùng ven biển các tỉnh miền Trung. Hiện Bộ TN&MT cùng các cơ quan chuyên môn cũng đang giúp các tỉnh thành đang xây dựng Chương trình hành động ứng phó với BĐKH. Bộ Xây dựng đang rà soát và lập qui hoạch xây dựng các khu dân cư nông thôn, các khu đô thị, các khu chức năng khác, làm căn cứ để lập các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu dân cư.
   
  Sự khốc liệt của mưa lũ đối với khu vực miền Trung là điều nhìn thấy. Và không còn cách nào khác, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể và sự đầu tư thích đáng cho khu vực này. Theo đó, cần xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích, phát huy, khai thác các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn chỉnh, đồng bộ, hỗ trợ người dân chung sống an toàn với lũ lụt, gắn phát triển kinh tế xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng. Nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ và các hiểm hoạ của bão, lũ, lụt giúp họ chủ động trong công tác phòng tránh, tự đảm bảo cuộc sống an toàn... Làm được những điều đó, cũng có nghĩa là đã tạo điều kiện để dân cư vùng thường xuyên bị ngập lụt phát triển bền vững.
   
Cẩm Tú
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao chung sống an toàn với bão lũ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO