Làm sạch nguồn nước sông, hồ Hà Nội: Phải làm tận gốc

08/07/2017 00:00

Bằng những hành động cụ thể, thiết thực của chính quyền thành phố, môi trường sông, hồ của Thủ đô đã và đang được hồi sinh mạnh mẽ. Tuy nhiên nếu không có những biện pháp giải quyết tận gốc, nguy cơ tái ô nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo ông Phan Hoàng Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội), tính đến thời điểm hiện tại, đã có 85/122 hồ khu vực nội thành được xử lý ô nhiễm; 37 hồ còn lại do vướng các dự án cải tạo hoặc khi quan trắc mẫu nền chưa phát hiện ô nhiễm.

Sau xử lý, nước các hồ đã hết hẳn mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng phú dưỡng. Điều đáng nói, công nghệ được áp dụng vào xử lý hồ về cơ bản đã không ảnh hưởng đến những thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh như tảo, động vật phù du...

Được biết, đến nay ngoài biện pháp sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch môi trường nước, Công ty Thoát nước Hà Nội còn lắp đặt bè thủy sinh trên 39 hồ; máy sục khí trên 22 hồ để tăng cường khả năng tự làm sạch. Dự kiến trong quý III/2017, sẽ tiếp tục đặt bè thủy sinh thêm cho 17 hồ và lắp máy sục khí cho 10 hồ khác. Riêng đối với khu vực ngoại thành, hết quý I vừa qua đã có 44/85 hồ được làm sạch; 39 hồ còn lại dự kiến sẽ được xử lý nốt trong quý III.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đặt bè thủy sinh xử lý ô nhiễm môi trường hồ.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đặt bè thủy sinh xử lý ô nhiễm môi trường hồ.

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ Redoxy-3C làm sạch nước hồ trên địa bàn đã đạt được những kết quả rất khả quan, tuy nhiên thực chất mới chỉ là làm phần “ngọn”. Về lâu dài để xử lý triệt để ô nhiễm, giúp các hồ nước trong xanh trở lại, việc tách các tạp chất khác khỏi nước hồ mới là phần “gốc”. Trong đó, theo các chuyên gia, nước hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt là ô nhiễm do dầu, mỡ động thực vật thải ra từ các quán hàng ăn uống, khách sạn, cửa hàng xăng dầu, khu chế biến, khu dân cư... lân cận hồ.

Với tính chất không hòa tan trong nước và bám dính cao, lại không có sự kiểm soát triệt để tại chỗ, mỡ sẽ bị quấn lại với nhau tạo thành các mảng lớn, bám bề mặt hoặc treo bên trong cống. Càng lâu, lượng mỡ tích tụ càng dày và làm tắc nghẽn đường ống thoát nước...

Kết quả khảo sát tại các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ trên địa bàn của công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho thấy tất cả các sông, hồ trên đều bị nhiễm dầu mỡ chủ yếu có nguồn gốc từ động, thực vật. Tổng lượng mỡ trong sông, hồ từ 0,5 đến 2,5mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt là 0,5mg/lít.

Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Hiệp hội nước Hungary bàn biện pháp để tách dầu mỡ, làm sạch nước hồ ở Hà Nội. Hai công nghệ được đề xuất là tách dần mỡ bằng nhựa PARCO-P và bằng thép EVVIA TNS. Cả hai thiết bị này có đặc tính nhỏ gọn, dễ lắp đặt, bảo trì, hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, để áp dụng công nghệ này, phía Hungary sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trên lĩnh vực tách dầu mỡ từ các cơ sở kinh doanh cũng như từ nước mưa để làm sạch môi trường cho hệ thống sông hồThủ đô.

Thực tế, việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để làm sạch sông, hồ Hà Nội là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên việc làm này chỉ giải quyết được phần ngọn trước mắt. Về lâu về dài cần có những biệt pháp triệt để tách, xử lỷ riêng nguồn nước thải trước khi trả lại vào môi trường sống mới là bài toán dài lâu.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án cải tạo, làm “sống” lại 4 con sông: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích. Theo đó, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo LĐTĐ

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sạch nguồn nước sông, hồ Hà Nội: Phải làm tận gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO