Lâm Đồng: Giữ rừng như giữ nhà

16/08/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Khang Thiên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích đất hơn 977.354ha, trong đó diện tích có rừng là 532.634ha; riêng rừng tự nhiên chiếm 452.651ha; còn lại là rừng trồng. Lâm Đồng hiện xếp vị trí thứ 2 trong cả nước với tỷ lệ rừng che phủ là 53,1%.

Gỗ lậu bị lực lượng Kiểm lâm ra quân bắt và thu giữ từ đầu năm đến nay
Gỗ lậu bị lực lượng Kiểm lâm ra quân bắt và thu giữ từ đầu năm đến nay

Để có được những con số đầy ý nghĩa trên, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng không ngừng nổ lực, phát huy vai trò nòng cốt và chủ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thậm chí có lúc phải đánh đổi bằng sự hy sinh, mất mát về tính mạng con người.

Vào một đêm cuối năm 2014, trong khi làm nhiệm vụ chống lâm tặc lợi dụng cơ hội giáp Xuân để tàn phá rừng phía Tây của tỉnh, thì nửa đêm nhận được tin báo có đoàn xe chở gỗ lậu tại địa bàn huyện Đạ Tẻh. Ngay lập tức Đội Kiểm lâm số 2 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh dùng xe chuyên dụng truy chặn đoàn xe trên.

Đến khi tiếp xúc hiện trường, dù đã nhiều lần ra hiệu lệnh dừng xe, nhưng bọn “lâm tặc” manh động và tăng ga tìm cách vượt chặn xe của lực lượng Kiểm lâm; cho đến lúc xe ô tô của Đội vượt lên đón đầu xe lâm tặc nhưng chúng vẫn ngoan cố không dừng mà cho xe xông vào xe Kiểm lâm làm Đội trưởng Võ Xuân Hải bị thương nặng và hy sinh. Năm 2015, đồng chí Hải được công nhận là Liệt sỹ.

Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, đang kể với chúng tôi về hành trình gian nan, vất vả bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh
Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, đang kể với chúng tôi về hành trình gian nan, vất vả bảo vệ rừng của lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh

Trước đó (8/8/2016), trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng Kiểm lâm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng thuộc ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (tỉnh Lâm Đồng), bị một đám rất đông người cầm theo nhiều hung khí chặn đường. Tại đây, hàng chục đối tượng cầm dao phát, kiếm, mã tấu… lao vào tấn công dữ dội lực lượng bảo vệ rừng. Hậu quả, 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban gồm: ông Nguyễn Ái Tĩnh (49 tuổi) bị tử vong tại chỗ và ông Tân Khoa bị chém trọng thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, nhờ tăng cường tuần tra, chốt chặn, Chi cục đã phát hiện và lập biên bản 543 vụ vi phạm về rừng; trong đó nổi cộm là khai thác rừng trái phép với 138 vụ, phá rừng trái phép 137 vụ, vận chuyển lâm sản lậu 117 vụ; mua bán, cất giữ, kinh doanh lâm sản trái phép 125 vụ... Tổng số vụ việc đã xử lý là 482 vụ, trong đó chuyển Cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ nghiêm trọng. Tịch thu 201 phương tiện, dụng cụ phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép; gần 746 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại; 74 cá thể và 85kg động vật rừng; xử phạt và thanh lý hàng vi phạm nộp ngân sách hơn 5,2 tỷ đồng...

Trong hành trình gian nan, vất vả bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh phải đối mặt với 5 vụ chống đối, cản trở người thi hành công vụ. Điển hình như: Tại huyện Đạ Huoai từ tháng 1-3/2017, xảy ra 3 vụ cản trở xe ô tô, đánh cán bộ Kiểm lâm khi đang làm nhiệm vụ. Vụ người dân thôn Hang Hớt, Mê Linh kéo nhau đông người chống người thi hành công vụ ngày 7/2/2017...

Ông Tân Khoa bị trọng thương (8/2016) trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, được điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lâm Đồng
Ông Tân Khoa bị trọng thương (8/2016) trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, được điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lâm Đồng

Chi cục Trưởng Nguyễn Khang Thiên cho biết, các đối tượng chống đối ngày càng liều lĩnh, hung hăng; coi thường pháp luật chủ động tấn công lực lượng chức năng vào bất cứ lúc nào. Có nhiều vụ do người dân địa phương chưa am hiểu pháp luật, bị lôi kéo, dụ dỗ nên rất khó xử lý.

Xuất phát từ thực tế trên, lực lượng Kiểm lâm luôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 221 cuộc tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng cho 11.443 lượt người tham gia; ký 547 bản cam kết bảo vệ rừng; lồng ghép nội dung bảo vệ rừng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa. Đến nay, Lâm Đồng thành lập và củng cố được 95 Ban Lâm nghiệp xã, gồm 1.494 thành viên tham gia; trong đó có 113 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cụ thể.

Ngày 25/4/017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an tỉnh Lâm Đồng tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm rừng; nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm phát luật; đặc biệt là tình trạng ngang nhiên chống người thi hành công vụ.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng vừa phối hợp với Công an tỉnh mở lớp 2 tập huấn trang bị kiến thức sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho 100 cán bộ Kiểm lâm khi làm nhiệm vụ.

Tình hình đồng bào dân tộc thiểu số từ xã Đạ Long (huyện Đam Rông), xã Mê Linh (Lâm Hà), di dân tự do Đam Rông... trở về làng cũ ở Lạc Dương lập làng nên tình trạng đốt phá rừng vẫn liên tục tiếp diễn
Tình hình đồng bào dân tộc thiểu số từ xã Đạ Long (huyện Đam Rông), xã Mê Linh (Lâm Hà), di dân tự do Đam Rông... trở về làng cũ ở Lạc Dương lập làng nên tình trạng đốt phá rừng vẫn liên tục tiếp diễn

Quyết giữ cho rừng mãi xanh tươi và trường tồn như chính ngôi nhà thân yêu của mình, nhưng lực lượng Kiểm lâm Lâm Đồng hiện còn đối mặt với nhiều cam go, thách thức như: Lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng quá mỏng, dàn trãi trên địa bàn xa xôi, phức tạp; tính trung bình 1 cán bộ Kiểm lâm phải phụ trách 20.000ha rừng, trong khi theo quy định chung chỉ 1.000ha rừng/1 Kiểm lâm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng, nhưng nhu cầu sử dụng lâm sản ngày một nhiều, nên những cánh rừng già, cây cổ thụ quý hiếm, thông đỏ luôn lọt trong “tầm ngắm” của “lâm tặc”. Bên cạnh đó, tình trạng di dân tự do từ phí Bắc vào huyện Di Linh, Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai... ngày càng đông, tạo áp lực lớn về đất sản xuất buộc phải đốt phá rừng làm rẫy.

Đồng thời giá đất tăng cao mang lại lợi nhuận lớn từ hành vi lấn chiếm, mua bán đất rừng; nên các đối tượng bất chấp pháp luật.  Tình hình đồng bào dân tộc thiểu số từ xã Đạ Long (huyện Đam Rông), xã Mê Linh (Lâm Hà), di dân tự do Đam Rông... trở về làng cũ ở Lạc Dương lập làng nên tình trạng đốt phá rừng vẫn liên tục tiếp diễn.

Một vấn nạn không lường hết hậu quả là, vì lợi nhuận cao bọn lâm tặc sẳn sàng tàn phá những cánh rừng đại ngàn yên ả lấy gỗ, chúng sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để chống cự quyết liệt với lực lượng chức năng.

Bài & ảnh:Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Giữ rừng như giữ nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO