Làm báo giữa rừng già Trường Sơn: Một thời hoa lửa

28/04/2015 00:00

(TN&MT) - Gặp ông Phạm Xuân Thành, người cựu chiến binh già, nguyên Bộ đội Trường Sơn nay đã ở cái tuổi 76, nhưng khi tâm sự về ký ức thời chinh chiến "xẻ dọc...

 

(TN&MT) - Gặp ông Phạm Xuân Thành, người cựu chiến binh già, nguyên Bộ đội Trường Sơn nay đã ở cái tuổi 76, nhưng khi tâm sự về ký ức thời chinh chiến “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chúng tôi vẫn nhận thấy trong ánh mắt ông niềm tự hào pha lẫn nỗi xúc động khi kể về đồng đội mình. 

Sửa bản in ở Xưởng in Báo Trường Sơn
Sửa bản in ở Xưởng in Báo Trường Sơn

Chiến đấu dũng cảm

Năm 1963, khi đang là công nhân của Xí nghiệp In Việt Lập Cao Bằng, ông lên đường nhập ngũ tham gia huấn luyện tại Trung đoàn 246 Tuyên Quang. Thời gian này ông đã được huấn luyện đào bếp Hoàng Cầm, làm hầm chữ A, cách ngụy trang...

Năm 1965, khi Mỹ bắt đầu cho máy bay oanh tạc miền Bắc ông được lệnh lên đường vào mặt trận. Đúng sáng ngày 1/5/1965 khi có mặt ở ga Hàng Cỏ chuẩn bị lên tàu hành quân ông mới biết mình được cử vào miền Nam chiến đấu. Hành quân bằng tàu hỏa chỉ đến được Thanh Hóa, do máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cầu Hàm Rồng nên các ông lại được lệnh hành quân bộ. Đêm đi, ngày nghỉ, ròng rã gần nửa tháng ông mới đến được địa điểm tập kết tại ngã ba Lùm Bùm, trên đất bạn Lào thuộc Binh trạm 32, Binh đoàn 559 với nhiệm vụ là bộ đội bộ binh tham gia bảo vệ đường dây giao liên 559 (Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) và tiễu phỉ. Trong một trận công đồn tiễu phỉ vào tháng 8/1966 tại Mường Phìn, tỉnh Savanakhet (Lào), ông đã bị thương ở vai và được chuyển ra tuyến sau điều trị.

Sau hơn 6 tháng điều trị tại Nghệ An, ông tiếp tục nhận được lệnh vào chiến trường giữ chức vụ Trạm phó Trạm giao liên 13, Binh trạm 32. Tại đây, tháng 3/1967 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Thời gian này, trạm của ông có khoảng 20 người thực hiện nhiệm vụ đưa đón quân vào, quân ra và phục vụ thương bệnh binh bị thương ở các chiến trường miền Nam đưa ra Bắc điều trị. Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết ở đây khó khăn lắm, nhất là đối với các chị em là y tá, cấp dưỡng. Nhưng bộ đội đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giao. Ông còn tổ chức cho anh chị em trong đơn vị tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho thương bệnh binh.

Đón nhận quân vào, ông lưu ý bộ đội phải giữ tuyệt đối bí mật tuyến đường với phương châm: Đi không dấu - Nấu không khói. Mỗi lần chuyển 1 thương binh về tuyến sau, đơn vị phải cử 4 người thay nhau khiêng võng và 1 y tá đi theo phục vụ. Bồi hồi nhớ lại ông cho biết có lần 1 thương binh người Hải Phòng 18 tuổi bị thương vào cột sống liệt giường phải điều trị tại trạm đòi ăn trứng gà luộc. Biết anh không ăn được nhưng ông vẫn bảo cấp dưỡng luộc trứng. Nhưng khi nhìn đồng đội không nuốt được ông không cầm được nước mắt. Có lần, 1 thương binh khác bị cụt cả 2 chân nhưng nhìn anh em thương binh khác (nhẹ hơn) chơi tú lơ khơ giải trí muốn sang xem. Y tá trong Trạm phải cõng sang và ngồi làm tựa cho anh xem đồng đội chơi bài.

Ông Phạm Xuân Thành (người đứng hàng cuối cùng, thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội thuộc Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn ngành Tuyên huấn tại buổi gặp mặt lần thứ 6, tháng 4/2015.
Ông Phạm Xuân Thành (người đứng hàng cuối cùng, thứ 6 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội thuộc Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn ngành Tuyên huấn tại buổi gặp mặt lần thứ 6, tháng 4/2015.

Làm báo ở Trường Sơn

Chiến đấu ở Trạm giao liên 13 được gần 1 năm, tháng 10/1967 khi biết ông trước đã từng công tác ở ngành in nên cấp trên đã điều ông về Bộ Tư lệnh đảm nhiệm chức vụ Trưởng xưởng in Báo Trường Sơn cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Ông tự hào kể mình cũng là một trong nhiều người được sống và chiến đấu với các nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu, họa sỹ Minh Đỉnh...

Được giao phụ trách xưởng in Báo Trường Sơn, ông cho biết Báo Trường Sơn lúc đó chỉ có 4 trang khổ nhỏ nhưng công tác in ấn trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức khó khăn. Xưởng nằm trong hầm sâu dưới lòng đất, máy móc trang bị hết sức thô sơ. Khổ nhất là khâu sắp chữ. Các ông đã phải xẻ gỗ làm lanh gô (khuôn in), chẻ tre làm thanh chèn. Máy in lúc đó phải làm thủ công bằng cách đẩy từng tờ giấy qua khuôn bằng tay. In được một mặt phải lật giấy để in mặt còn lại, cứ thế xong từng tờ báo. Để hoàn thành hơn 1000 tờ báo mỗi số, 10 anh em trong xưởng phải thay nhau làm cả ngày. Nhưng các ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn xuất bản báo đúng kỳ. Đồng thời, xưởng của ông còn đảm nhiệm thêm công tác in ấn tài liệu văn bản, truyền đơn cho Bộ Tư lệnh, phục vụ chiến đấu.

Trong thời gian này, năm 1970 ông lập gia đình. Cô dâu chính là nữ y tá người cùng quê Ninh Bình, cấp dưới của ông quen năm 1967 khi ông đang phụ trách Trạm giao liên 13. Kể với chúng tôi ông nói đám cưới ở chiến trường giản dị lắm. Ông xin phép đơn vị nghỉ 3 ngày vào Trạm giao liên hưởng tuần trăng mật ở đó. Sau đó, đơn vị tạo điều kiện cho vợ ông quay lại hậu phương. Lúc chia tay, vợ ông chỉ có lá thư viết tay của ông gửi cho mẹ khi đó đang sống tại thị xã Cao Bằng. Mãi đến ngày đất nước thống nhất, ông mới được gặp lại vợ. Đứa con trai đầu lòng của ông sinh đúng ngày 1/5/1976, sau 1 năm đất nước thống nhất. Ông cười và nói ngày 1/5 luôn liên quan đến cuộc đời ông. Trước đó đúng 11 năm vào ngày này ông đã lên tàu vào Nam chiến đấu.

Ông Phạm Xuân Thành khi đang ở Xưởng in Báo Trường Sơn (Ảnh chụp năm 1968)
Ông Phạm Xuân Thành khi đang ở Xưởng in Báo Trường Sơn (Ảnh chụp năm 1968)

Cuối năm 1977 ông xuất ngũ trở lại công tác ở Xí nghiệp in Việt Lập Cao Bằng. Khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979, ông đã xuống Cục chính trị (Bộ Tổng tham mưu) xin được 1 bộ máy in báo chuyển về Bằng Khẩu (Bắc Kạn) in ấn văn bản tài liệu cho Tỉnh ủy Cao Bằng để phục vụ chiến đấu, đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông được cử giữ chức vụ phó giám đốc rồi đến giám đốc nhà in. Năm 1987, ông chuyển sang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa đến khi về hưu vào năm 1991.

Về với đời thường, ông vẫn luôn giữ cho mình bản chất người lính Cụ Hồ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Chính ông là một trong những người đứng ra thành lập Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn của tỉnh (nay là Hội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng).

Chia tay với chúng tôi ông bảo, thành tích của mình không đáng gì. So với sự hy sinh xương máu của đồng đội ông vẫn cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Ông chỉ mong đất nước hòa bình thống nhất sẽ càng ngày phát triển, vươn lên sánh vai với các nước khác trên thế giới.

                                                                              

Ngọc Minh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm báo giữa rừng già Trường Sơn: Một thời hoa lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO