Lai Châu: Trồng rừng thay thế vượt kế hoạch giao

18/11/2017 00:00

(TN&MT) – Tính đến nay, tỉnh Lai Châu có 12 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, có 9 dự án thủy điện và 3 dự án khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Khi triển khai thi công, các dự án phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế.

Được biết, năm 2017, UBND tỉnh Lai Châu giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố triển khai trồng 2.437ha rừng thay thế cho 12 công trình, dự án thi công trên đại bàn tỉnh có chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng.

Các chủ dự án đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với số tiền trên 123 tỷ đồng về Quỹ Bảo trợ và Phát triển rừng tỉnh. Nguồn kinh phí trên được sử dụng vào mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách trồng rừng thay thế; hỗ trợ cây giống, xử lý thực bì, đào hố trồng và chăm sóc năm đầu. Mục tiêu của UBND tỉnh là tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác.

Cần xây dựng phương án trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện, dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Cần xây dựng phương án trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện, dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Năm 2017, TP. Lai Châu, được UBND tỉnh Lai Châu giao kế hoạch trồng mới 33,17 ha rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang làm công trình thủy điện Lai Châu, tại các xã: Nậm Loỏng, San Thàng và các phường: Đông Phong, Đoàn Kết, Quyết Tiến, Tân Phong. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng mới trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Cho đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lai Châu đã trồng hơn 5.336ha rừng thay thế, vượt 2.899ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng theo kế hoạch giao. Người dân chủ động đăng ký diện tích trồng rừng, mua cây giống và làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng mới trồng, chăm sóc 95% diện tích rừng thay thế mới trồng sinh trưởng, phát triển ổn định.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang hoàn tất việc thanh quyết toán Dự án trồng rừng thay thế, chi trả tiền trồng, chăm sóc và bảo vệ cho người dân. Nhờ đó, người dân có thêm thu nhập, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân có thêm động lực để tham gia trồng, bảo vệ rừng mới trồng đạt hiệu quả cao.

Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Trồng rừng thay thế vượt kế hoạch giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO