Người dân xã Tà Mung, huyện Than Uyên phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng. |
Toàn tỉnh Lai Châu hiện có khoảng trên 470 nghìn ha rừng, trong đó có gần 162 nghìn ha thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao và rất cao. Tỉnh Lai Châu có địa hình đặc thù là núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh nên khi xảy ra cháy rừng việc tiếp cận để trực tiếp chữa cháy là rất khó khăn. Vì vậy, thời gian qua các địa phương chủ yếu áp dụng phương pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng gián tiếp như làm đường băng trắng cản lửa và được thực hiện ở những khu vực có độ dốc dưới 30 độ, ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao, chiều rộng băng phải đảm bảo từ 10 - 20 m. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã duy tu, phát dọn được trên 220 km đường băng trắng cản lửa. Các địa phương thực hiện tốt việc làm đường băng trắng cản lửa, điển hình là huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường...
Ông Nguyễn Văn Biển - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết: Xác định công tác PCCC rừng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động tham mưu cho cấp trên các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng mùa khô 2020 - 2021; ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho 300 công chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở.
Tỉnh đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gồm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 8 Ban Chỉ đạo cấp huyện, 103 Ban Chỉ đạo cấp xã; thành lập, củng cố 901 Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng thôn, bản. Các Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng thôn, bản đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, mỗi Tổ có khoảng từ 10 đến 100 thành viên (tùy theo số hộ trong bản). Hiện nay, các Tổ hoạt động theo hình thức là các thành viên trong tổ tự bàn và phân công thành các nhóm nhỏ để thay nhau canh gác, tuần tra rừng; cử các thành viên luân phiên nhau trực tại các chốt bảo vệ rừng, thường trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm mùa khô dễ xảy ra cháy và kịp thời thông tin cháy rừng cho UBND cấp xã, kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng.
Nhờ có sự chủ động của các Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng thôn, bản mà những năm gần đây các khu vực trọng điểm cháy rừng trên địa bàn các huyện được kiểm soát tốt, không để xảy ra cháy rừng. Cùng với đó, toàn tỉnh đã duy trì 53 chốt gác bảo vệ rừng tại khu vực vùng đệm vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn tại các xã Sơn Bình, Bản Bo (huyện Tam Đường); Phúc Khoa, Hố Mít, Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên).
Nhờ phát huy vai trò của các tổ chuyên trách bảo vệ rừng, huyện Mường Tè có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh Lai Châu. |
Mường Tè là một trong những địa phương đã phát huy được hiệu quả của Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng thôn, bản. Hiện trên địa bàn huyện có 105 Tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng thôn, bản ở 14 xã, thị trấn. Các Tổ thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực rừng được giao bảo vệ để kịp thời phát hiện các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm rừng; phối hợp tuyên truyền vận động Nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng, PCCC rừng; kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan chức năng khi có các tình huống bất thường xảy ra…
Với phương châm "Phòng hơn chống", để huy động sức mạnh của Nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, cơ quan chuyên môn và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC rừng cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như lồng ghép vào các buổi họp thôn, bản; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 857 cuộc họp trong cộng đồng dân cư, thôn, bản với 59.075 lượt người dân tham gia và tuyên truyền tới 7 trường học với 3.489 lượt học sinh tham gia; tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng, PCCC rừng tới 24.736 lượt hộ gia đình.
Hiện đang là thời điểm rất khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, do vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu cần đẩy mạnh thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, đặc biệt là ở những nơi có nguy cơ cháy cao để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.