Lai Châu: Chính thức khai thác hơn 70ha cao su

17/10/2016 00:00

(TN&MT) – Ngày 17/10, tại xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức lễ khai thác mủ cao su.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các tỉnh Tây Bắc cắt băng khai dòng “vàng trắng”.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Lai Châu, lãnh đạo Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam... cắt băng khai dòng “vàng trắng”.

Dự lễ khai mủ có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Lai Châu; lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam…

Ngay từ khi tham gia góp đất trồng cao su, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đặt niềm tin rằng cây trồng mới này sẽ đem lại no ấm cho bản làng, quê hương. Sau thời gian triển khai trồng được vài năm thì thị trường mủ cao su rớt giá, cộng với nhiều luồng ý kiến trái chiều về năng suất, sự phù hợp của cây với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất dốc ở Lai Châu đã khiến nhiều người hoài nghi về cây trồng mới này.

Sau gần 10 năm kể từ khi diện tích cao su đầu tiên được trồng, hàng nghìn con người cần mẫn ươm từng gốc cây, vun từng hòn đất, để có được các cánh rừng cao su bạt ngạt xanh tốt. Để rồi, hôm nay khi những giọt “vàng trắng” đầu tiên chảy xuống, họ mừng vui, phấn khởi đến nghẹn ngào.

Ông Tao Văn Khằm, bản Can Hồ, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, một nông dân góp hơn 4ha đất trồng cao su cho biết: “Trước kia phát làm nương, làm rẫy nên chẳng thu hoạch được mấy. Bây giờ phát triển cây cao su đã cho thu hoạch, nếu thu nhập mủ ổn định, mong rằng kinh tế gia đình sẽ ổn định hơn. Nhìn thấy đồi cao su cho mủ thành công tôi thấy vui hơn, vui lắm”.

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại lễ khai thác mủ cao su Lai Châu.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại lễ khai thác mủ cao su Lai Châu.

Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hơn 70ha cao su cạo mủ đợt này được mở miệng từ ngày 9/8. Tính đến nay, tổng sản lượng mủ cao su đông thu được là trên 20 tấn, trung bình năng suất mỗi héc ta đạt từ 7 đến 8 tạ mủ/năm, vượt chỉ tiêu từ 1-2 tạ so với kế hoạch. Thời gian cạo mủ cao su tại Tây Bắc sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 hàng năm. Cây cao su ở đây hiện vẫn đang phát triển rất tốt, cho lượng mủ chất lượng cao và ổn định. Từ năm thứ 2 đi vào khai thác, chất lượng cũng như sản lượng mủ sẽ ổn định hơn, năng suất dự kiến đạt khoảng 8 tạ-1 tấn/ha/năm. Như vậy, sự hoài nghi về tiềm năng cao su Tây Bắc bấy lâu nay đã có lời giải.

Ông Trần Ngọc Thuận, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vui mừng cho biết: “Hiện nay toàn bộ diện tích cao su của Tây Bắc lớn nhất là ở 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu. Sau 8 năm trồng cao su tại Tây Bắc, đến nay bước đầu cao su đã cho mủ. Mô hình tổ chức sản xuất góp đất của người dân vào các công ty là mô hình tốt, ngoài tiền lương thì người lao động còn được chia thêm sản phẩm do họ làm ra. Với sản lượng đang khai thác thời điểm hiện nay tại Lai Châu là bằng 70 – 80% của khu vực Đông Nam Bộ. Chúng tôi tin tưởng các diện tích còn lại đang trồng tại các Tây Bắc hiện nay sẽ có kết quả tốt”.

Hiện nay, Lai Châu là thủ phủ cao su Tây Bắc, với gần13.000ha cao su đại điền do 3 công ty quản lý và hơn 400ha cao su tiểu điền trồng ở hai huyện Phong Thổ và Nậm Nhùn. Riêng Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu đang quản lý khoảng 7.000ha  ở 2 huyện Sìn Hồ và Phong Thổ, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Sìn Hồ với trên 6.000ha. Đến nay, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tuyển trên 2.300 lao động người địa phương vào làm công nhân và bảo vệ ở các nông trường.

Dự kiến đến năm 2017, Lai Châu sẽ mở rộng diện tích cạo mủ lên hơn 1.000ha. Mặc dù diện tích cho khai thác mủ chưa nhiều, nhưng cũng đã có đơn vị đứng ra ký kết nhận bao tiêu sản phẩm. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng sẽ tiến hành xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, với công suất giai đoạn I là 3.000 tấn/năm, để chế biến và bao tiêu sản phẩm cho cả diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn. Nếu các nhà máy hoàn thành và tất cả diện tích cao su trên địa bàn cho cạo mủ, thì sẽ có thêm hàng trăm lao động địa phương nữa có việc làm.

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Cây cao su là một trong những cây trồng có tính chất chiến lược lâu dài đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc và Lai Châu. Hơn một vạn hộ tái định cư ở các vùng tái định cư các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát và các thủy điện khác hiện nay đời sống khá ổn định. Trong nhiều cây trồng chuyển dịch có tín hiệu tích cực và hiệu quả kinh tế ổn định thì cao su là một trong những cây rất tốt, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo”.

Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã biểu dương và khen ngợi những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lai Châu và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam trong 9 năm vừa qua để cây cao su phát triển tốt tại Lai Châu. 

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc phát triển cây cao su vùng Tây Bắc là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa đột phá về kinh tế và kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Tây Bắc.

Tới đây, khi diện tích cao su cho khai thác hàng năm tăng lên, đồng nghĩa người dân góp đất sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ cổ tức góp đất và lương công nhân hàng tháng. Điều đó sẽ góp phần không nhỏ vào mức thu nhập cho người dân, giúp thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Lai Châu và các địa phương khác.

Minh Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Chính thức khai thác hơn 70ha cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO