Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014): Sáng mãi Điện Biên

07/05/2014 00:00

(TN&MT) - Theo mách chỉ của cựu chiến binh Phạm Bá Miều tổ 17, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (ĐBP), người đã lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

(TN&MT) - Theo mách chỉ của cựu chiến binh Phạm Bá Miều tổ 17, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (ĐBP), người đã lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại phòng khách ngay sau khi Đại tướng qua đời, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án di tích ĐBP. Anh Bốn hào hởi chỉ cho chúng tôi  hàng chục, hàng trăm chứng tích xưa, nay tôn tạo thành quần thể di tích lịch sử ĐBP trong lòng chảo Mường Thanh, bốn phía điệp trùng non núi vây quanh. Tâm điểm của quần thể di tích là Bảo tàng Chiến thắng ĐBP vừa xây mới, lưu giữ, trưng bày cả ngàn  hiện vật liên quan tới chiến dịch...
   
Kể chuyện chiến thắng Him Lam- Ảnh: Tô Hợp
    
1 Theo dòng thời gian, chúng tôi tới Him Lam nơi mở màn chiến dịch 13/3/1954. Him Lam độ này hoa ban nở trắng đồi, trắng bản nao nao gợi nhớ về chiến công xưa. Tới đồi Độc Lập, chứng tích của trận đánh chiếm cứ điểm ngày 15/3/1954. Lên các đồi C, D, E nơi diễn ra các trận đánh ác liệt giữa ta và địch giành giật nhau từng tấc đất… Hơn 10 năm nay trên đỉnh đồi D1, tượng đài Chiến thắng hoành tráng được dựng lên thành biểu tượng khát khao của hòa bình… Đến hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, nơi ẩn giữ mưu sâu kế quỷ của kẻ thù nhằm tiêu diệt toàn bộ quân đội chủ lực của Việt Nam, nhưng lại thành nơi đại bại nhục nhã nhất của chúng, quân tướng kéo cờ trắng, giơ tay, gục mặt, lũ lượt quy hàng… được tôn tạo bền vững y hệt hiện trạng xa xưa… Và, chứng tích quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến thần kỳ này là Quần thể Di tích lịch sử ở xã Mường Phăng, cách thành phố ĐBP chừng 40 km. Đây là đại bản doanh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là nơi tướng Giáp đứng trên đỉnh non nhìn thấu trời thấu đất… Ngày nay, Mường Phăng đã là hệ thống di tích liên hoàn những lán làm việc của các cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch ĐBP. Là đường hầm xuyên núi dài 69m nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái… Phía ngoài, bên vệ quốc lộ 279 là Tượng đài Công viên Chiến thắng Mường Phăng và đường kéo pháo bằng tay cùng trận địa pháo của bộ đội trong chiến dịch…
   
  Lịch sử sẽ mãi mãi phỉ báng âm mưu thâm hiểm của tướng giặc Na-va giăng bẫy hiểm ở ÐBP để dụ bộ đội Cụ Hồ sa lưới. Ngày 20-11-1953, chúng nhảy dù chiếm ÐBP, đổ xuống đây những 4.550 lính thiện chiến cùng 200 tấn vũ khí đạn dược và các thiết bị chiến tranh... Lịch sử cũng sẽ đời đời ghi công Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy Tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh theo lệnh Bác Hồ, ngày 5-1-1954 rời căn cứ Việt Bắc lên đường sang chiến dịch ÐBP, chọn rừng Mường Phăng đặt Sở chỉ huy. Ngày 26-1-1954, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi khai pháo mở màn chiến dịch, Ðại tướng đã phải có một quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp. Ấy là việc chuyển phương châm từ "Ðánh nhanh, tiến nhanh" sang "Ðánh chắc, tiến chắc". Nhờ thế, ngày 13/3/1954 ta có được chiến công mở màn vang dội ở Him Lam - điểm chốt của trung tâm cứ điểm địch bị nhổ hoàn toàn chỉ sau 6 tiếng đồng hồ. Kế đến là cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm ÐBP ngày 30/3/1954... Rồi cuộc tiến công cuối cùng, bắt đầu ngày 1/5/1954 vào hầm cố thủ của tướng giặc Ðờ Cát. Ðúng 5 giờ chiều 7/5/1954, bộ đội Cụ Hồ đã bắt sống tướng giặc Ðờ Cát. Và, lá cờ Quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm trung tâm cứ điểm; đánh dấu mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam…
   
  Tất cả, tất cả kết nối nhau làm sống lại không khí hào hùng của ĐBP 60 năm về trước, khiến chúng tôi như được truyền lửa chiến công, lửa tin yêu, lửa trí tuệ và sức mạnh vô biên của Đảng, của dân tộc, của quân đội nhân dân anh hùng. Chiến công ấy mãi mãi là di sản tinh thần vô giá của dân tộc ở thời đại Hồ Chí Minh. Là thần lực diệu kỳ để Việt Nam tiếp nối đánh bại hết thảy mọi chiến lược xâm lăng nham hiểm nhất của Hoa Kỳ, để vang mãi với Tổng tấn công Mậu Thân 1968, với ĐBP trên không 1972, với Tổng lực Mùa Xuân 1975 đưa non sông thu về một mối, Nam - Bắc một nhà.
   
Các chiến sỹ Điện Biên Phủ gặp nhau khi thăm lại chiến trường xưa. Ảnh. Tô Hợp
   
2 Điện Biên - Đất của chiến công, đất tiền đồn đắc địa trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Sáu  mươi năm qua đi – 60 mùa ban nở, Điện Biên đã thực sự đổi đời, thực sự thay da đổi thịt về kinh tế xã hội, khiến cho những cựu binh từng chiến đấu tại đây 60 năm về trước, nay trở lại không khỏi ngỡ ngàng, rưng rưng nước mắt… Những năm gần đây, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Điện Biên rất đáng ghi nhận: Năm 2011 tăng 10,09%; năm 2012 tăng 9,12%; năm 2013 tăng 8,55%. GDP bình quân đầu người tăng qua các năm (Năm 2011 đạt 694,4 USD; năm 2012 đạt 812,4 USD; năm 2013 đạt 918,3 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông nghiệp… Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện…
   
  Xoay quanh giải pháp phát triển kinh tế nhằm cắt cảnh “đội sổ” đói nghèo, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thổ lộ: Điểm xuất phát của Điện Biên quá thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên tới nay vẫn tới 5 xã chưa có đường ô tô đi tới, đói nghèo vẫn đeo bám… Bởi thế xóa đói giảm nghèo luôn là trọng tâm phấn đấu của Đảng bộ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện trách nhiệm này đòi hỏi chúng tôi phải cách mạng về tư duy, hướng vào thế mạnh của rừng là lâm nghiệp. Nghĩa là phát triển rừng, trồng cây công nghiệp trên đất rừng phải chú ý chia sẻ lợi ích của rừng với nhân dân. Có cơ chế hỗ trợ nhân dân khi họ trồng rừng cũng như khi khai thác, tiêu thụ. Đi cùng với nội lực của địa phương, Điện Biên rất cần sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, tạo điều kiện về cơ chế pháp lý để tỉnh đủ sức thu hút đầu tư, thu hút những “mạnh thường quân” hướng về giúp đồng bào thiểu số ở các xã biên giới. Góp sức thiết thực cân đối nguồn lực theo lộ trình cho vùng sâu vùng xa; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng khó khăn; đầu tư vật lực cho đối tượng nghèo. Điện Biên sẽ dễ thoát nghèo nếu có những nhà máy chế biến nông lâm nghiệp, khai thác chế biến tài nguyên khoáng sản tại địa phương thì mức thu nhập của người dân sẽ khác, việc chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ suôn sẻ. Chỉ như vậy mới mong vực dân bản ở vùng sâu, vùng cao nhanh chóng vượt lên, xóa nghèo bền vững. Chỉ như thế Điện Biên mới xứng với tên gọi, điểm đến cho các thế hệ hôm nay và mai sau!...
   
3 Điện Biên không chỉ tri ân lịch sử bằng trùng tu, tôn tạo di tích mà còn mở lòng đón khách muôn phương. Rằng, nơi đây không chỉ hãnh diện với vinh quang của quá khứ, mà rất đỗi tự hào đã tô đẹp mảnh đất anh hùng này bằng sức mạnh của ĐBP để Điện Biên mãi là niềm ngưỡng mộ, điểm đến kỳ thú của nhân loại về lịch sử chiến tranh nhân dân, về văn hóa tâm linh, sinh thái và văn hóa ẩm thực riêng có. Vây quanh những quần thể di tích của chiến công xưa là những bản làng đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, với những nếp nhà sàn duyên dáng, những thiếu nữ tươi tắn, nếp tóc vun cao, khăn piêu, “áo cóm vun đầy, xà tích níu eo thon thả nghiêng ngả cả nắng chiều”. Là những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dan díu xao  lòng khách đến khách đi. Là những Khu sinh thái được quy hoạch, xây dựng tiện ích cho nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn để đã đến là nhớ lâu, nhớ sâu như động Pa Thơm huyền bí, như hồ Pa Khoang xếnh xang non nước mây trời, như Mường Lay trên bến dưới thuyền, sơn thủy hữu tình y hệt Hạ Long nơi đỉnh trời Tây Bắc. Là việc phục dựng và bảo tồn các lễ hội dân gian đậm chất tâm linh riêng có và rất tiêu biểu như Lễ hội Thành Bản Phủ tạ ơn tướng Hoàng Công Chất từng có công dẹp giặc Phẻ cứu dân. Là Xên Mường, Xên bản và Lễ hội Kim pang then của dân tộc Thái trắng ở Mường Lay biểu hiện tình đoàn kết, tài năng tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Là hội Hoa ban khoe sắc cảm tạ đất trời, cầu an, cầu phúc cho con người, cho lứa đôi kết bện, hướng tới cái hay cái đẹp mỗi độ xuân về. Là chiến lược phát triển công nghiệp không ống khói - coi du lịch là mũi nhọn kinh tế - với hệ thống cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương sát thực, tạo nên “Vòng cung du lịch Tây Bắc”. Là quy trình phát triển sản phẩm du lịch từ nghề thủ công, thêu dệt hàng thổ cẩm, trang phục dân tộc, đan lát đồ gia dụng bằng mây tre, chế tác nhạc cụ dân tộc, tạo hàng lưu niệm; nâng chất lượng sản phẩm ẩm thực vốn có như cơm lam, nếp nương, xôi ngũ sắc,  rượu Mông pê của bản Mông ở Tủa Chùa, rượu men lá ngây ngất say của dân tộc Thái ở Mường Lay… để Điện Biên sáng đẹp mãi mãi với thời gian. 
   
Bút ký của Nguyễn Uyển
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014): Sáng mãi Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO