Kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam: Chuyện nữ anh hùng vác bom nặng hơn hai lần cơ thể

29/04/2019 17:18

(TN&MT) - Trở về với cuộc sống đời thường, “người con gái thép” xứ Thanh ngày nào vác 98 kg đạn pháo băng băng dưới làn đạn địch đã tuổi “xưa nay hiếm”. Những...

 

(TN&MT) - Trở về với cuộc sống đời thường, “người con gái thép” xứ Thanh ngày nào vác 98 kg đạn pháo băng băng dưới làn đạn địch đã tuổi “xưa nay hiếm”. Những lúc trái gió trở trời vết thương hành hạ thân thể, nhưng những ký ức chiến tranh luôn đau đáu trong tim và tươi rói như mới hôm qua. Cuộc đời của bà gắn liền với dòng sông Mã và cây cầu Hàm Rồng huyền thoại. Bà là Ngô Thị Tuyển, nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

anh 2,
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vác thùng đạn nặng gấp 2 lần trọng lượng cơ thể, ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu gia đình

 

Ký ức chiến tranh không thể nào quên

Ai về Thanh Hoá quê ta

Cầu Hàm Rồng huyền thoại có bà họ Ngô.

Năm xưa vác đạn diệt thù.

Trên dòng sông Mã chiến công lẫy lừng.

Về phường Nam Ngạn Thanh Hoá hỏi thăm bà Ngô Thị Tuyển, đám trẻ con chỉ ngay: “Nhà bà Tuyển bên tê kìa chú”, rồi đồng thanh đọc bài thơ ấy. Tôi không ngạc nhiên về đám trẻ con ngộ nghĩnh, mà ngạc nhiên bởi căn nhà nhỏ thô sơ nằm ép bên đường Trường Thi, cánh cửa sổ đã ố màu rỉ sét cạnh dòng sông Mã của người phụ nữ anh hùng một thời danh tiếng. Cũng trên mảnh đất này cách đây hơn 50 năm về trước, cô dân quân Ngô Thị Tuyển 19 tuổi xuân đã dũng cảm vác 2 hòm đạn nặng hơn 2 lần trọng lượng cơ thể mình băng băng dưới làn đạn địch, vận chuyển cho bộ đội tiêu diệt quân thù.

Thấy tôi mặc áo quân phục Hải quân, bà niềm nở: “Thì ra là chú bộ đội hải quân. Có việc chi đây. Chú ngồi chơi bác đi lấy nước”. Mời tôi ly nước chè xanh đằm đặm, bà kể về trận chiến đấu ngày 4/4/1965. “Chú biết răng không, khi ấy giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc dữ lắm. Chúng tập trung bom dội xuống cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt “yết hầu” giao thông vận tải của ta từ miền Bắc vào Nam. Lúc nứ, tôi là dân quân Nam Ngạn thôi, nhưng nói đi đánh giặc là thích lắm. Mà cả làng ai cũng náo nức chứ đâu phải mình tôi. Trước sự dội phá ác liệt của bom Mỹ, một đầu cầu Hàm Rồng bị sập gẫy. Lúc ấy bộ đội của ta chủ yếu ở bệ pháo trên đỉnh đồi hai đầu cầu. Tôi đã vác 2 hòm đạn vượt qua bờ đê chuyển ra sông cho bộ đội. Lúc ấy tôi cũng không biết hai thùng đạn nặng 98kg. Mãi sau này các anh bộ đội nói tôi mới rõ. Chiến tranh mà, ai vác được bao nhiêu thì vác chứ ai cân đếm làm gì”. Bà Tuyển cười nhìn ra khoảng trống giữa sân. “Đó là ngày tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Trong gian khó, mới thấy mình trưởng thành, lúc đau thương mới thấy thương anh em bộ đội. Bây giờ tiểu đội dân quân của tôi người còn người mất và không biết bao lần vác đạn, bao lượt máy may Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng, nhưng những ngày tháng chiến đấu bên cây cầu huyền thoại ni thì ai cũng nhớ như in trong tâm trí. Mỗi lần nhắc đến ngày ấy, tôi thấy khoẻ ra, tự hào nữa. Chú biết răng không, sau trận ấy, tôi cùng cả tiểu đội dân quân chứng kiến trận đánh ngày 26.5.1965 mà đau thương lắm. Bộ đội ta chiến đấu rất ngoan cường nhưng hy sinh nhiều quá, thương vô cùng”.

Bà Tuyển thuật lại, “Hôm ấy bộ đội hải quân ta đánh địch ở đảo Hòn Mê. Tan trận, lúc về Lạch trú ẩn thì bị lộ mục tiêu. Những trận đạn 14,5 ly bắn xối xả vào tàu thuyền của ta. Bộ đội hải quân hy sinh nhiều quá, máu chảy bê bết. Bà bế xác một anh bộ đội hải quân gào to kêu cứu dưới tiếng bom ầm ầm cày xới. Trong nhiều người bị thương trận ấy, có người bị đạn đâm toạc bụng ruột lòi ra ngoài. Bà dùng tay nhét ruột vào trong rồi cõng từng anh vào hầm gần đó trú ẩn”.

 Nước mắt bà Tuyển lưng tròng. Trong sâu thẳm của người nữ anh hùng đã trực tiếp chiến đấu, tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh, còn gì hạnh phúc hơn khi giữ được cây cầu huyết mạch, nhưng cũng vô cùng đau xót khi chính những người đồng đội thân nhất của bà thời con gái đã ngã xuống bên cây cầu huyền thoại ấy. Bà Tuyển bảo “Năm tháng có trôi đi, thời gian có thể thay đổi, cầu Hàm Rồng có thể làm mới, nhưng dấu tích về trận đánh và lịch sử không thể phai mờ. Cầu Hàm Rồng mãi mãi là cây cầu bất tử trong lòng nhân dân”.

anh 3,
Cây cầu Hàm Rồng huyền thoại ngày nay, ảnh Lê Khanh

 

 Hạnh phúc không nở hoa

Năm nay bà Ngô Thị Tuyển 77 tuổi, cái tuổi lẽ ra phải lên chức bà. Vậy mà niềm hạnh phúc làm mẹ chẳng đến. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, bà đã đem cả sức trẻ của tuổi thanh xuân dấn thân cho tải đạn diệt thù, để rồi khi trở về với cuộc sống đời thường hạnh phúc chẳng nở hoa, đó là một thiệt thòi lớn của người phụ nữ.

Nói về chuyện riêng tư, bà mạnh dạn bảo: “Ngày con gái tất cả vì tiền tuyến chứ ai biết tương lai sẽ ra răng. Nhiều người cũng như bác thôi mà. Trở về sau chiến tranh không lấy chồng vì quá lứa lỡ thì. Mãi sau này bác cũng có một người chồng, song không có con vì người chồng bác nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin”.

Khóc. Giọt nước mắt rưng rưng nhăn trên gò má nhăn nhúm của người đàn bà ngoài tuổi thất tuần. Bà nhìn xa xăm về phía cầu Hàm Rồng như tìm về ký ức và tình yêu thời hoa trẻ.

Ngày ấy, cô thôn nữ đẹp người khoẻ mạnh ở xóm Nam Ngạn tham gia dân quân gần 3 tháng thì đem lòng yêu anh bộ đội pháo cao xạ. Cưới nhau được 8 ngày thì chồng đi B. Ngày tiễn chồng ra trận cũng là ngày ly biệt. Thương chồng, thù giặc, bà Tuyển lao vào chiến đấu không mệt mỏi. Chính từ tình yêu thương nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc ấy, đã nhân lên sức mạnh sức mạnh nội sinh trong tim bà. Những hòm đạn nặng hơn hai lần trọng lượng cơ thể có thấm tháp gì so với nặng tình yêu Tổ quốc. Đó là lý tưởng sống, là niềm vui để bà sống và tiếp tục chiến đấu. Chiến tranh kết thúc bà tái giá. Chồng bà cũng là bộ đội đã từng có năm tháng “nếm mật nằm gai” ở chiến trường Cam-pu-chia. Những đêm hành quân bị Mỹ rải chất độc đi-ô-xin nhuộm đỏ cả cánh rừng Trường Sơn. Biết bao người đã uống phải nước có chất chết người ấy, trong đó có chồng bà, ông cũng chung niềm đau cùng nhiều đồng đội là lấy vợ nhưng không thể có con. Hai cuộc hôn nhân không mang lại niềm hạnh phúc làm mẹ, bà Tuyển đã bàn với chồng xin đứa cháu họ về nhận làm con nuôi. Đứa con không cùng huyết thống ấy nay đã vào đại học ngoan hiền và thương yêu ông bà như bố mẹ ruột của mình.

anh 4,
Bà Ngô Thị Tuyển chơi trò kéo co cùng trẻ em phường Nam Ngạn, ảnh chụp từ ảnh tư liệu gia đình

Nhắc lại chuyện 2 phi công Mỹ bị dân quân Thanh Hoá bắt sống khi nhảy dù xuống cầu Hàm Rồng huyền thoại năm nào, bà bảo: “Họ đến để thăm lại cây cầu nhỏ nhoi nhưng kiên cường đã nuốt của họ khá nhiều bom đạn, nhưng sánh sao được sự hy sinh xương máu của bộ đội ta cháu hè. Lần đó họ bị cảm cúm, bác đã xoa dầu cho họ”.

 Sau chuyến thăm cầu Hàm Rồng và du lịch ở Việt Nam, người phụ nữ quốc tịch Mỹ Ka-ren-gớt-Schang- tơn-nơ đã viết cuốn sách “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển là nhân vật chính trong cuốn sách ấy. Khi nhắc về bom đạn bà cười: “Hồi đó tui vác 98 kg, khi nhà báo về nói họ không tin. Họ bảo tôi biểu diễn cho họ xem, ai ngờ tôi vác nhiều hơn 2 hòm đạn ngày ấy 2 kg”. Bà cười đôn hậu. Nụ cười ấy chất chứa cả sức mạnh nghị lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam: Chuyện nữ anh hùng vác bom nặng hơn hai lần cơ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO