(TN&MT) - Sáng 20/5, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc.
(TN&MT) - Sáng 20/5, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên khai mạc
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2014; cho ý kiến về 16 dự án luật khác. Đây là một nội dung trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp mới, góp phần hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Quốc hội cũng xem xét, sửa đổi Nghị quyết 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước của những tháng đầu năm 2014; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Quốc hội chúng ta sẽ tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu kém để có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012; nghe các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp 7; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội 2015; xem xét báo cáo công tác các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chúng ta đều đã biết tình hình ở Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. “Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Sau bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo đánh giá bổ sung kinh tế xã hội năm 2013 và triển khai thực hiện kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2014.
T.H