Krông Bông (Đắk Lắk): Dân tố "đá tặc" vẫn lộng hành

03/11/2016 00:00

(TN&MT) - Sau khi phát hiện tình trạng khai thác đá trái phép tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài, các ngành chức...

 

(TN&MT) - Sau khi phát hiện tình trạng khai thác đá trái phép tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Nhưng theo những người dân địa phương, “đá tặc” vẫn tiếp tục hoạt động, quyết tâm không buông tha khu vực này.

Nhiều máy móc được đưa vào hoạt động trong khu vực bãi đá
Nhiều máy móc được đưa vào hoạt động trong khu vực bãi đá

Bãi đá náo nhiệt

Những ngày gần đây, chúng tôi liên tục nhận được tin báo từ quần chúng phản ánh việc khai thác đá ở thôn 5 (xã Hòa Sơn) vẫn diễn ra. Nắm được thông tin, sáng 2/11, chúng tôi đã có mặt tại điểm khai thác đá granite trái phép trong thời gian qua để theo dõi thực tế.

Hơn 10 giờ sáng cùng ngày (2/11), bất chấp những cơn mưa nặng hạt, 4 - 5 chiếc máy cẩu, máy múc và nhiều nhân công vẫn đang có mặt trong khu vực bãi đá. Tiếng máy móc đập uỳnh uỳnh vào đá, tiếng máy khoan đá vang rền, inh ỏi cả một khu vực rộng lớn. Phía sườn đồi nơi đại công trường đã từng nhộp nhịp trước đây, hàng chục khối đá to nằm la la liệt. Những tảng đá lớn đã bị khoan chẻ trước đó vẫn có những dấu vết tác động rất mới.

Nhiều máy móc được đưa vào hoạt động trong khu vực bãi đá
Nhiều máy móc được đưa vào hoạt động trong khu vực bãi đá

Theo một người dân ở gần bãi đá, khoảng gần 1 tuần nay, hoạt động khai thác đá tiếp tục diễn ra rầm rộ. Không cố định thời gian nhưng máy móc vẫn được đưa vào, hoạt động khoan đá, vận chuyển đá ra ngoài vẫn tiếp tục diễn ra. Quá bức xúc, người dân đã gọi điện cho chính quyền địa phương để báo tin nhưng không nhận được hồi âm.

Một người dân địa phương (xin được giấu tên), bức xúc: “Chúng tôi cứ ngỡ sau bao nhiêu năm kêu cứu, các ngành chức năng vào cuộc thì tình trạng khai thác đá trái phép ở địa phương sẽ được ngăn chặn. Nhưng chỉ được ít ngày, “đá tặc” vẫn tiếp tục hoạt động. Việc này không chỉ làm thất thoát tài nguyên, gây tiếng ồn và bụi bặm mà còn thể hiện sự coi thường lực lượng chức năng của các đơn vị, cá nhân sai phạm”.

Theo lãnh đạo Công ty VLXD Krông Bông Đắk Lắk, những người hoạt động trong bãi đá chỉ là “sửa” cho các khối đá vuông vắn trước khi vận chuyển
Theo lãnh đạo Công ty VLXD Krông Bông Đắk Lắk, những người hoạt động trong bãi đá chỉ là “sửa” cho các khối đá vuông vắn trước khi vận chuyển

Chính quyền không hay?

Trong tháng 8 và tháng 9/2016, đoàn công tác của Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT) và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xác minh hoạt động khai thác đá tại huyện Krông Bông. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều đơn vị đưa người, máy móc vào khai thác trái phép đá granite. Vào tháng 9/2016, UBND huyện Krông Bông đã ra quyết định tịch thu 152 tảng đá granite là tang vật của các cá nhân, đơn vị khai thác trái phép tại xã Hòa Sơn và bàn giao toàn bộ số tài sản này để Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk (thuộc Sở Tư pháp tỉnh) tiến hành bán đấu giá, sung công quỹ Nhà nước. Theo các văn bản UBND huyện Krông Bông cung cấp, số tài sản trên đã được bán cho Công ty TNHH VLXD Krông Bông Đắk Lắk và một cá nhân khác trong tỉnh.

Trao đổi qua điện thoại với PV, một lãnh đạo Công ty VLXD Krông Bông Đắk Lắk xác nhận có đưa người và máy móc vào hoạt động khu vực bãi đá. Tuy nhiên việc khoan, múc chỉ là “sửa” những khối đá đã mua đấu giá cho vuông vắn lại nhằm thuận lợi hơn trong quá trình vận chuyển ra ngoài.

 

Đá granite đã bị khai thác nằm la liệt trong bãi đá thuộc xã Hòa Sơn
Đá granite đã bị khai thác nằm la liệt trong bãi đá thuộc xã Hòa Sơn

Còn theo ông Nguyễn Đình Sâm - Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, việc người dân phản ánh máy móc và người tiếp tục hoạt động trong bãi đá là không chính xác. “Từ sau khi UBND huyện Krông Bông chỉ đạo, chúng tôi đã thành lập đoàn thường xuyên kiểm tra và đã ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn. Hiện tại, việc bán đấu giá cho các cá nhân, đơn vị đã hoàn tất và những người mua đang tiến hành vận chuyển ra ngoài. Có thể lúc họ đưa phương tiện, máy móc vào vận chuyển, người dân địa phương đã “hiểu nhầm” và cho rằng việc khai thác trái phép đang tiếp tục diễn ra” - ông Sâm giải thích.

Ông Đinh Văn Long - Phó Chú tịch UBND huyện Krông Bông, cũng cho rằng có thể người dân “hiểu nhầm” việc vận chuyển đá tang vật ra ngoài là khai thác. Nhưng ông Long cũng không loại trừ việc “đá tặc” lợi dụng quá trình vận chuyển đá được mua hợp pháp, tiếp tục đưa người và máy móc vào khai thác trái phép. “Hiện chúng tôi chưa nhận được thông báo nào của UBND xã Hòa Sơn về việc khu vực khai thác đá vẫn đang hoạt động. Nhưng sau khi nhận được thông tin từ phóng viên, tôi đã trực tiếp chỉ đạo kiểm tra thực tế và sớm có báo cáo cho UBND huyện. Nếu tình trạng khai thác đá trái phép vẫn diễn ra, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về UBND xã Hòa Sơn” - ông Long thẳng thắn.

 

 

Đình chỉ việc xây dựng xưởng chế biến đá trái phép

Theo ông Đinh Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, hiện UBND huyện đã yêu cầu Công ty VLXD Krông Bông Đắk Lắk tạm dừng việc xây dựng xưởng chế biến đá ở xã Hòa Sơn, hoàn thành các thủ tục theo quy định trước khi tiến hành xây dựng. Trước đó, dù chưa được các ngành chức năng cho phép, công ty này vẫn ngang nhiên xây dựng xưởng chế biến đá tại xã Hòa Sơn. Qua kiểm tra, các ngành chức năng phát hiện có 46 tảng đá granite (kích thước 1,5mx1mx1,2m) tại khu vực xưởng chế biến đá của công ty này.

 

Lê Phước - Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Bông (Đắk Lắk): Dân tố "đá tặc" vẫn lộng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO