Kon Tum: Xã Kroong quyết toán xây đường nông thôn mới không đúng thực tế?

26/07/2018 18:47

(TN&MT) - Người dân thôn Kroong Klah và Kroong Ktu đã có đơn tố cáo về việc UBND xã Kroong, TP.Kon Tum (Kon Tum) quyết toán tiền thi công đường bê tông theo chương trình nông thôn mới không đúng thực tế. Trong đó, có các khoản giá nhân công thấp quyết toán cao và tiền thuê các loại máy móc để làm nền đường không có trong thực tế.

thon 2
Đường giao thông nông thôn xã Kroong, TP.Kon Tum được xây dựng khang trang

Thực tế người dân làm?

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên cả nước đã và đang đẩy mạnh bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông nhằm tạo ra một diện mạo mới, sức sống mới cho mỗi vùng quê Việt Nam. Xã Kroong, TP.Kon Tum cũng không ngoại lệ. Những con đường bê tông giúp cho người dân lưu thông thuận tiện, các cháu học sinh đi học không bị lấm lem trên những con đường lầy lội mỗi khi mùa mưa về, nông sản của bà con không bị tiểu thương ép giá vì giao thông đi lại khó khăn. Niềm vui chưa trọn vẹn thì người dân lại phải viết đơn tố cáo những việc làm không đúng thực tế của UBND xã Kroong.

Điều người dân phản ánh là UBND xã Kroong không minh bạch trong việc thanh, quyết toán các công trình giao thông nông thôn mà đáng lẽ người dân phải được biết theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” bởi xây dựng nông thôn mới là lấy người dân làm chủ thể.

Từ bản quyết toán công trình người dân đã nghi ngờ, về việc lợi dụng làm đường nông thôn mới để trục lợi của một bộ phận cán bộ xã có liên quan. Trong đó hai nội dung nổi cộm và thấy rõ nhất là nhân công chi trả cho thợ đổ bê tông mặt đường thấp nhưng lại quyết toán giá cao hơn và tiền thuê xe máy đào, máy ủi, máy hơi, đầu kéo bánh xích, cần cẩu bánh lốp, máy nén khí động cơ điezen, máy lu bánh thép tự hành để làm nền đường. Trong khi người dân khẳng định việc làm nền đường do người dân tự làm bằng cuốc xẻng và máy đầm cóc cầm tay, không hề có xe máy như báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng đã kê.

Hơn nữa việc quyết toán cũng không được công khai minh bạch để mọi người biết và giám sát. Chia sẽ với báo chí, ông A Ten - Trưởng thôn Kroong Klah cho biết: “Đường bê tông qua thôn Kroong Klah dài hơn 600 mét, thời gian thi công khoảng 30 ngày, mỗi ngày có 10 hoặc 11 người làm, có cả con trai của mình cũng làm và có một số người dân. Mỗi công thợ đổ bê tông mặt đường được trả 200 nghìn đồng, ai cũng như ai, kể cả anh Hùng em cọc chèo của anh Lê Thành Đức - Chủ tịch UBND xã Kroong là người chỉ đạo thi công cũng như vậy. Về phương tiện thi công như: máy trộn, máy rung đầm bê tông đều mượn nhà anh Hùng”.

Ông A Bươi - Thôn trưởng Thôn Kroong Ktu cho biết: “Đường bê tông qua thôn mình ngắn hơn, mỗi ngày công đổ bê tông cũng được trả từ 140 đến 190 nghìn đồng, và UBND xã ủng hộ anh em trong đội bữa trưa. Hồ sơ thanh quyết toán công trình do UBND xã thực hiện, Thôn trưởng chỉ đế ký nhận tiền công về trả lại cho đội thi công”.

Khi được hỏi làm nền đường thì thế nào thì cả hai ông Trưởng thôn đều khẳng định người dân tự làm bằng cuốc, xẻng và máy đầm cóc cầm tay, với tinh thần người dân bỏ công làm đường thay vì đóng góp để thuê máy móc.

thon1
Ông Nguyễn Thành Đức - Chủ tịch UBND xã Kroong xác nhận thanh quyết toán công trình hoàn thành đều có hồ sơ được phê duyệt

Cơ quan chức năng nói gì?

Làm việc với báo chí, ông Lê Thành Đức - Chủ tịch UBND xã Kroong đã chỉ đạo Kế toán xã cung cấp 2 Quyết định phê duyệt kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình và 2 Quyết định phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành đường số 1 và đường số 5 thôn Kroong Klah”.

So sánh 2 Quyết định kinh tế kỹ thuật xây dựng và quyết toàn công trình thì có rất nhiều phần không trùng khớp với thực tế. Trong thuyết minh công trình đường số 1 thôn Kroong Klah, kê khai rất nhiều loại máy móc làm đường như: máy đào, máy ủi, máy hơi, đầu kéo bánh xích, cần cẩu bánh lốp, máy nén khí động cơ điezen, máy lu bánh thép tự hành… Trong khi đó người dân chỉ xác nhận có máy trộn bê tông, máy đầm dùi bê tông, máy đầm cóc cầm tay để đầm làm nền đường. Trong khi đó, tại hồ sơ quyết toán công trình không thể hiện chi tiết máy móc thiết bị dùng để làm gì, hết bao nhiêu ca, vào giờ nào? Mà chỉ ghi (chi phí thiết bị) có số liệu thanh toán là 79.181.355 đồng.

Về chi phí nhân công áp dụng cho thợ Bậc 3 và 3.5 trong bảng tính ngày công đổ bê tông và phụ cấp là 236.880 đồng và 253.890 đồng. Nhưng thực lĩnh tiền công của công nhân mà 2 Trưởng thôn xác nhận là 140, 190 và 200 nghìn đồng. Như vậy giữa mức thực lĩnh của nhân câng lao động thực tế và mức thanh quyết toán chênh nhau 36.880 đồng và 53.890 đồng. Người dân nghi vấn có hay không số tiền thanh quyết toán cho máy móc không thực tế và số tiền chênh lệch chi trả ngày công lao động của công nhân đang ở đâu?

Những hồ sơ liên quan này không được công khai ở thôn hay ở xã để người dân biết và giám sát thực tế làm đường hết bao nhiêu tiền, các khoản thanh quyết toán liệu có đúng thực tế đã khiến cho người dân càng thắc mắc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Phục - Chủ tịch UBND TP.Kon Tum cho biết: “Nếu đúng như đơn tố cáo và những nghi ngờ của người dân là có cơ sở thì chúng tôi sẻ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, dung túng cho những hành vi sai trái của cán bộ xã”.

Người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng TP.Kon Tum sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xác minh để những nghi ngờ của người dân được làm sáng tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Xã Kroong quyết toán xây đường nông thôn mới không đúng thực tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO