Kon Tum: Rừng nguyên sinh vẫn bị tàn phá

21/02/2017 00:00

(TN&MT) – Cứ đến tháng 2, tháng 3 hàng năm, người dân Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng lại đi dọn nương, rẫy chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới. Mùa dọn nương rẫy năm nay, tỉnh Kon Tum lại tái diễn tình trạng người dân phá rừng lấy đất làm rẫy. Vậy là hàng chục ha rừng nguyên sinh đang xanh tốt đã bị người dân chặt phá không thương tiếc khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa vì máu rừng vẫn chảy.

Nhiều khoảnh rừng nguyên sinh đang xanh tốt bị tàn phá không thương tiếc, bên cạnh trạm quản lý bảo vệ rừng, ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham.
Nhiều khoảnh rừng nguyên sinh đang xanh tốt bị tàn phá không thương tiếc, bên cạnh trạm quản lý bảo vệ rừng, ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham.

Nhiều cánh rừng nguyên sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum bị người dân xâm chiếm, chặt phá lấy đất làm nương rẫy đã và đang diễn ở nhiều nơi. Rừng bị chặt phá thường gần đường giao thông đi lại hoặc các buôn làng đang sinh sống xen kẽ giữa các cánh rừng. Điều đáng nói là các chủ rừng, cơ quan chức năng chỉ phát hiện khi rừng đã bị chặt phá tan hoang và thực hiện việc đo đếm diện tích rừng bị phá mà không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Tan tác những cánh rừng nguyên sinh.

Dọc theo quốc lộ 24 từ tỉnh Kon Tum đi tỉnh Quảng Ngãi, hai bên chúng ta chứng kiến nhiều khoảnh rừng bị người dân chặt phá, cây đổ ngổn ngang chờ ngày dọn sạch nhường chỗ cho cây sắn, cây bắp, lúa rẫy của người dân, nhiều quả đồi đã bị phá trắng.

Dọc theo đường Trường Sơn Đông cảnh tượng những cánh rừng bị phá cũng không kém phần thê thảm. Cá biệt có những khoảnh rừng vừa mới bị chặt phá nằm giữa hai trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, tỉnh Kon Tum. Hay trên tuyến đường cắt rừng từ xã Mang Cành, huyện Kon Plông đi đường Trường Sơn Đông, nhiều khoảnh rừng bị tàn phá còn tươi nguyên. Điều đáng nói là điểm rừng bị phá chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham chừng nửa cây số. Nhìn rừng bị tàn phá ngay nách trạm quản lý bảo vệ rừng trông rất phản cảm.

Nghi là rừng bị tàn phá thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham đang quản lý Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã hẹn gặp bà Chu Thị Phiến – Trưởng ban để xác minh cụ thể. Tại trụ sở, qua trao đổi bà Chu Thị Phiến chưa chắc rừng bị phá thuộc diện tích do Ban quản lý. Song, dù rừng do đơn vị nào quản lý mà bị phá ngay giữa hai trạm quản lý bảo rừng của Ban như vậy trông rất phản cảm, không thể chấp nhận được. Thậm chí có điểm rừng bị phá chỉ cách trạm chừng nửa cây số càng khó coi hơn, bà Phiến quả quyết.

Để chứng minh điều đó là sự thật, chúng tôi đưa bà Chu Thị Phiến đến các điểm rừng bị tàn phá, dùng thiết bị định vị để xác định khoảnh rừng bị phá có thuộc diện tích rừng phòng hộ do Ban đang quản lý. Lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham xác định: Điểm phá rừng ngay bên cạnh đường Trường Sơn Đông, nằm giữa 2 trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban nhưng không thuộc diện tích rừng do Ban đang quản lý. Ước chừng điểm rừng bị phá cách rừng phòng hộ vài trăm mét. Hay các điểm phá rừng khác cách trạm bảo vệ rừng chừng nửa cây số cũng được xác định không phải rừng Ban đang quản lý.

Song, khi chúng tôi tham khảo: Vậy, rừng bị phá do đơn vị nào quản lý thì đồng loạt từ Trưởng ban đến nhân viên đều không hay biết. Khi phóng viên đặt vấn đề, cũng là người quản lý bảo vệ rừng mà sao để rừng bị phá ngay nách trạm quản lý như vậy mọi người nhìn vào sẽ đánh giá không hay thì mọi người im lặng.

Làm ngơ "Rừng hàng xóm" bị tàn phá 

Làm việc với Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ông Võ Minh Văn  -Hạt trưởng cho biết: Các điểm rừng bị phá như phóng viên mô tả do công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông (Cty lâm nghiệp Kon Plông) quản lý. Sau khi nhận được thông tin từ đơn vị quản lý, ngày 6/2/2017 Hạt đã cùng công ty xuống đo đếm xác định diện tích bị phá là hơn 3 sào tại 6 điểm. Mục đích việc lập biên bản xác định rừng bị phá để làm cơ sở sau này nếu ai vào đó dọn dẹp để trồng cây nông nghiệp thì sẽ xử lý vì không ai khác chính người dọn là người phá rừng.

Rừng bị phá bên cạnh đường giao thông từ xã Mang Cành, Kon Plông đi đường Trường Sơn Đông.
Rừng bị phá bên cạnh đường giao thông từ xã Mang Cành, Kon Plông đi đường Trường Sơn Đông.

Điều khiến ông Võ Minh Văn lo lắng là: Rừng do Cty lâm nghiệp Kon Plông quản lý nhưng lại bị phá ngay bên cạnh Trạm quản lý rừng phòng hộ Thanh Nham đứng chân nhờ, nhưng cán bộ, nhân viên các trạm cũng không thông tin cho lực lượng chức năng hay chủ rừng biết. Ông Văn đã phải vào trực tiếp trạm để nhắc nhở, phân tích về sự việc rừng bị phá tại sao lại không báo cho cơ quan chức năng, chủ rừng biết. Trong khi đó, số điện thoại di động của Hạt trưởng và kiểm lâm viên hạt kiểm lâm huyện Kon Plong đã công khai cho mọi người biết.

Đơn vị chuyên trách nói gì?

Trao đổi cùng phóng viên: ông Nguyễn Văn Nam – Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kon Tum cho rằng: Thấy rừng hàng xóm bị phá bình chân như vại đang xảy ra ở rừng giáp ranh giữa các chủ rừng như vậy là không thể chấp nhận được. Đồng thời cũng không thực hiện đúng tinh thần phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng chung. Việc bảo vệ rừng chúng ta đã xác định là của cả hệ thống chính trị bắt đầu từ ý thức của người dân, đến chủ rừng, liên kết các chủ rừng, các tổ chức cơ sở hội, đoàn thể, chính quyền các cấp, lực lượng chuyên trách và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tất cả phải đồng sức, đồng lòng cùng chung tay bảo vệ rừng mới có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Nam (trái) – Chi cục phó Chi cục kiểm lâm Kon Tum đang làm việc với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Nam (trái) – Chi cục phó Chi cục kiểm lâm Kon Tum đang làm việc với phóng viên.

Ông Nguyễn Văn Nam cho biết: Qua sự việc này, với vai trò là lực lượng chuyên trách, Chi cục kiểm lâm sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cần có những giải pháp căn cơ để làm sao các chủ rừng phải cùng nhau giữa rừng chứ cứ tình trạng thấy rừng đơn vị khác bị phá ngoảnh mặt làm ngơ thì rừng sẽ còn bị tàn phá không thể kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Nam cũng chia sẻ: Nạn chặt phá rừng làm nương rẫy cũng là vấn đề nhức nhối mà Kon Tum đã và đang tìm nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hằng năm vẫn tái diễn. Bởi nhu cầu đất sản xuất của người dân cũng đang là vấn đề cấp bách. Song cũng không vì thế mà đổ lỗi. Để hạn chế tình trạng này, UBND tỉnh Kon Tum đã thu hồi 42.431,84ha đất của 17 đơn vị giao về cho địa phương quản lý. Sau khi thực hiện xong sẽ cơ bản giải quyết được đất sản xuất cho người dân, nhằm hạn chế sức ép lên các cánh rừng nguyên sinh.

Song vấn đề căn bản chính là nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng, người đứng đầu các địa phương, đơn vị chuyên trách nếu để xảy ra mất rừng thì phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm minh thì tình trạng mất rừng mới được hạn chế.

Bài và ảnh: Đình Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Rừng nguyên sinh vẫn bị tàn phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO