Kon Tum: Phát hiện và xử lý 43 thùng chất độc hóa học CS

11/08/2016 00:00

  (TN&MT) - Ngày 11/8, Đội xử lý chất độc hóa học - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum xác nhận, đơn vị vừa xử lý thành công 43 thùng chất độc hóa học CS, có...

 

(TN&MT) - Ngày 11/8, Đội xử lý chất độc hóa học - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum xác nhận, đơn vị vừa xử lý thành công 43 thùng chất độc hóa học CS, có tổng trọng lượng 1.548kg, trả lại môi trường sạch cho hơn 1ha đất tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum).

Xử lý thành công chất độc hóa học tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy
Xử lý thành công chất độc hóa học tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy

CS là loại chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng rải thảm trong chiến tranh tại Việt Nam. Chất độc CS có dạng bột màu vàng, khi nổ phát tán trong không khí và tồn lưu trên địa hình. Chất độc CS thuộc nhóm chất độc thần kinh, có tác dụng kích thích mạnh đối với mắt, đường hô hấp. Khi bị nhiểm độc, chất độc CS gây viêm mạc mắt, làm bỏng rát dữ dội trong lồng ngực, tạo tâm lý hoảng sợ cho người bị nhiễm độc và có thể gây ngừng thở.

Được biết, 43 thùng chất độc này được chôn ở độ sâu hơn 2,5m. Nếu không được phát hiện, lâu ngày chất độc này ngấm vào lòng đất, ô nhiễm nguồn nước gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người sống quanh khu vực này bởi các thùng đựng chất độc đã bị rỉ và mục nát. Để hoàn thành việc xử lý 43 thùng chất độc này, 20 cán bộ chiến sỹ của đội phải làm việc liên tục từ ngày 02 đến 08/8.

Trước đó, giữa năm 2013 Đội xử lý chất độc hóa học cũng đã phát hiện và xử lý thành công 33 thùng chất độc CS với trọng lượng gần 1.200kg tại xã Mô Rai (huyện Sa Thầy). Theo ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đến nay địa phương đã phát hiện và xử lý triệt để 291 thùng chất độc CS tồn lưu, với tổng khối lượng gần 38.000 kg. Tuy nhiên hiện tại ở khu vực rừng núi hiểm trở trên địa bàn một số huyện của tỉnh Kon Tum vẫn còn tồn lưu chất độc CS chưa được phát hiện và xử lý.

Tin & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Phát hiện và xử lý 43 thùng chất độc hóa học CS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO