Kon Tum: Nỗi lo môi trường từ hoạt động của các lò gạch thủ công

10/04/2018 15:00

(TN&MT) – Hàng trăm lò gạch thủ công thuộc Cụm Công nghiệp xã Hòa Bình (Kon Tum) hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm và việc khai thác đất sét rầm rộ để...

 

(TN&MT) – Hàng trăm lò gạch thủ công thuộc Cụm Công nghiệp xã Hòa Bình (Kon Tum) hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm và việc khai thác đất sét rầm rộ để phục vụ các lò gạch từ 10 năm nay khiến hiện trạng đất đai tại khu vực này hoàn toàn bị biến đổi. Nỗi lo môi trường do hoạt động của hàng trăm lò gạch này cần sự vào cuộc cấp bách của ngành chức năng tỉnh Kon Tum.
 

ảnh 1
Vị trí bị hố sâu bị sạt lở nghiêm trọng nhất

Cụm Công nghiệp thôn 3, xã Hòa Bình (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) là khu vực hoạt động của 92 cơ sở với 130 lò sản xuất gạch thủ công, hoạt động từ năm 2007. Hoạt động khai thác đất sét để phục vụ cho các lò gạch đã khiến khu vực này xuất hiện nhiều hố sâu 5 – 6m, rộng hàng chục mét, hiện trạng đất đai bị biến đổi và có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến kênh tưới tiêu dài gần 7km của hồ Đăk Yên nằm dọc theo Cụm Công nghiệp này.

Mặc dù việc khai thác đất sét làm gạch nằm bên ngoài hành lang an toàn của tuyến kênh, tuy nhiên thời gian lâu ngày khiến các hố sâu bị sạt lở, lấn lại gần sát mép kênh. Theo ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, tại hố sâu bị sạt lở sát mép kênh là do người dân tự ý sử dụng máy múc đào sâu xuống lòng đất, khai thác đất sét sử dụng vào mục đích sản xuất gạch. Việc đào sâu lâu ngày, cộng với trời mưa gây ra sạt lở.

ảnh 2
Đắp đất làm kề chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho tuyến kênh tưới hồ Đăk Yên

Qua khảo sát thực tế cho thấy, dọc tuyến kênh chính có 3 vi trí bị sạt lở nghiêm trọng, gồm Km 1+60m, Km 1+250m và Km 0+250m. Trong đó, có 1 điểm sạt lở vào sát mép kênh tưới.

Sau khi phát hiện vị trí sạt lở, Ban Quản lý và Đầu tư các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Hòa Bình tuyên truyền, nghiêm cấm người dân không được khai thác đất sét sát dọc theo bờ kênh. Đồng thời phối hợp với UBND thành phố Kon Tum triển khai đắp đất chống sạt lở kênh.

ảnh 3
Hàng trăm lò gạch thủ công hoạt động ngày đêm từ 10 năm qua nằm dọc theo tuyến kênh


Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý và Đầu tư các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum (Ban QL), đơn vị đã tiến hành làm kè chống sạt lở ở khu vực này 2 lần và hiện tại tuyến kênh vẫn đảm bảo năng lực tưới cho vụ Đông Xuân 2018. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời. Người dân cần phải dừng ngay hoạt động khai thác đất tại khu vực này và có biện pháp bảo vệ kênh cũng như bồi đắp các hố sâu do khai thác đất làm gạch gây ra.

Cùng với đó, UBND xã Hòa Bình đã tuyên truyền trong nhân dân về hoạt động khoáng sản, nghiêm cấm hình thức mua bán, sang nhượng đất nhằm mục đích khai thác sét. Ông Phạm Phước cho biết: “Hiện tại trong Cụm Công nghiệp xã Hòa Bình không còn khu vực nào để lấy nguyên liệu đất sét để làm gạch. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn lợi dụng việc cải tạo ruộng cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương để lấy nguyên liệu sét. Các mỏ đá khi khai thác đá thì bóc lấy tầng phủ đất sản xuất gạch để sang nhượng cho các hộ sản xuất gạch nên rất khó quản lý”.

ảnh 4
Đất đai bị đào bới để khai thác sét tạo thành nhiều hố sâu lởm nhởm, biến đổi hiện trạng đất, ảnh hưởng môi trường.

Trước thực trạng này, UBND TP Kon Tum đã có nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai thác sét tại khu vực này. Đồng thời, tiến hành đổ đất, san lấp một phần hố sâu bị sạt lở sát vào tuyến kênh chính để đảm bảo an toàn tuyến kênh. Trước đó, tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, thay thế bằng gạch không nung theo lộ trình đến năm 2020.

Được biết, khu vực này là đất được UBND tỉnh Kon Tum cho thuê từ năm 2017, đến năm 2010 đã hết thời hạn cho thuê nhưng chưa được thu hồi để sử dụng vào mục đích khác. UBND xã Hòa Bình đã đề nghị Trung tâm phát triển Cụm Công nghiệp thành phố có hướng xử lý di dời đối với các hộ dân đang sản xuất gạch khi đã hết thời hạn và đã thu hồi đất.
 

ảnh 5
Đất đai bị đào bới để khai thác sét tạo thành nhiều hố sâu lởm nhởm, biến đổi hiện trạng đất, ảnh hưởng môi trường.

Thực tế cho thấy, sản xuất gạch thủ công không những gây ô nhiễm môi trường mà việc khai thác đất sét quá đà đã tác động lớn đến hiện trạng đất đai khu vực xung quanh. Cho nên, xóa bỏ lò gạch thủ công là cần thiết và nó cần sự đồng thuận từ cơ quan quản lý cũng như người dân. Bên cạnh đó, phục hồi môi trường, trả lại hiện trạng đất đai ban đầu cũng cần thực hiện để đảm bảo môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Nỗi lo môi trường từ hoạt động của các lò gạch thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO