Kon Tum: Không thực hiện lệnh phạt, vẫn ngang nhiên hoạt động

05/08/2017 00:00

(TN&MT) - Tình trạng Công ty cổ phần (CP) sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) Kon Tum dù chưa được cấp phép mỏ, vùng nguyên liệu nhưng vẫn ngang nhiên khai thác, mua đất sét trôi nổi không có nguồn gốc hợp pháp, tiếp tay làm thất thoát khoáng sản và các loại thuế, phí tài nguyên.         

Nhà máy khai thác, thu mua, tập kết đất sét trái phép
Nhà máy khai thác, thu mua, tập kết đất sét trái phép

Thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin phản ánh từ bạn đọc về tình trạng khai thác đất sét tràn lan của Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum đóng tại thôn 2, xã Kroong, tp Kon Tum, gây tổn hại ghê gớm đến môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm tới khu vực công ty khai thác đất sét trái phép, tận mắt nhìn thấy tình trạng bạt đồi, xẻ núi, đào bới, khoét tràn lan để khai thác đất sét làm nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch. Hiện trạng nham nhở sau khi công ty khai thác để lại những hố sâu, vực thẳm cả chục mét, rất nguy hiểm cho những hộ gia đình có con nhỏ sống quanh khu vực đây, nhất là vào mùa mưa lũ.

Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum không thực hiện lệnh phạt, không thực hiện hoàn thổ mà vẫn tiếp tục hoạt động bình thường
Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum không thực hiện lệnh phạt, không thực hiện hoàn thổ mà vẫn tiếp tục hoạt động bình thường

Trước đó, ngày 6/6/2017 Công ty đã bị UBND thành phố Kon Tum xử phạt 30 triệu đồng về vi phạm hành chính do khai thác khoáng sản (đất sét) làm VLXD thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp,với khối lượng khoáng sản (đất sét) đã khai thác là 25 m3. Vi phạm tại điểm d, khoản 1, điều 44 của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

UBND TP. Kon Tum yêu cầu Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum phải thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường  khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Với thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.

Hiện trạng sau khi khai thác đất sét của Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum để lại những hố sâu, vực thẳm rất nguy hiểm
Hiện trạng sau khi khai thác đất sét của Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum để lại những hố sâu, vực thẳm rất nguy hiểm

Vậy mà, cho đến nay, Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum vẫn không thực hiện nộp phạt 30 triệu đồng mà vẫn tiếp tục cho khai thác đất sét trái phép, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Ngoài ra, công ty không hề có động thái phục hồi môi trường, khiến người dân trong khu vực luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ sạt lở và tai nạn đuối nước.

Một người dân sống ở thôn 2, xã Kroong tâm sự “Chúng tôi rất lo sợ trước tình trạng khai thác đất sét tràn lan của nhà máy gạch. Sau khi khai thác xong, để lại những hố, vực sâu đọng nước, có điểm sâu đến hàng chục mét rất nguy hiểm. Chúng tôi không yên tâm mỗi khi các cháu đi chăn thả gia súc tới khu vực này, sợ xảy ra những mất mát đáng tiếc. Rất mong chính quyền sớm vào cuộc nhằm ngăn chặn nạn khai thác đất sét trái phép này, giảm thất thoát nguồn tài nguyên, trả lại môi trường trong lành nơi vùng quê, giúp bà con yên tâm hơn trong mùa mưa lũ”.

Liên quan đến nguồn nguyên liệu đất sét, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với Công ty không xin cấp phép khai thác vùng nguyên liệu theo cam kết đầu tư; thu mua đất sét không rõ nguồn gốc hoặc thu mua từ những đơn vị, cá nhân không được phép khai thác.

Việc khai thác đất sét trái phép diễn ra nhiều năm qua nhưng chính quyền nơi đây vẫn không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn
Việc khai thác đất sét trái phép diễn ra nhiều năm qua nhưng chính quyền nơi đây vẫn không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi liên hệ với phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Kon Tum để đăng ký làm việc. Làm việc với chúng tôi, ông Phan Bính- Phó phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Kon Tum về tình trạng công ty khai thác tràn lan và biên bản xử phạt Công ty CP sản xuất và cung ứng VLXD Kon Tum, nhưng ông Bính đã từ chối cung cấp cho báo chí.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, TP. Kon Tum hiện có 244 cơ sở với 367 lò sản xuất gạch nung thủ công trên địa bàn 5 xã, phường (gồm các xã Hòa Bình, Đăk Bla, Ngọc Bay, Kroong và phường Ngô Mây) với công suất 160 triệu viên/năm. Riêng tại thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, có khoảng 50 lò gạch nung của 30 hộ hoạt động liên tục cùng 1 dây chuyền sản xuất gạch Tuynel. Việc khai thác đất sét trái phép diễn ra nhiều năm qua nhưng chính quyền nơi đây vẫn không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Chính vì thế, rất nhiều cơ sở sản xuất gạch, mặc dù không được cấp mỏ vật liệu làm gạch nhưng nhà máy vẫn có đủ nguyên liệu để nhà máy hoạt động bình thường. Vậy thử hỏi nguyên vật liệu làm gạch nhà máy lấy từ đâu mà hàng ngày nhà máy vẫn có gạch xuất bán ra ngoài thị trường?.  

Bài & ảnh: Võ Hà - Tuấn Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Không thực hiện lệnh phạt, vẫn ngang nhiên hoạt động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO