Kon Tum: Hướng dẫn người dân sử dụng tiền DVMTR phát triển sinh kế

28/09/2016 00:00

(TN&MT) - Việc giao đất rừng cho các cộng đồng dân cư tại các thôn/làng ở tỉnh Kon Tum  để quản lý, bảo vệ đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

 

(TN&MT) - Việc giao đất rừng cho các cộng đồng dân cư tại các thôn/làng quản lý, bảo vệ đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng lên với chất lượng được nâng cao. Cùng với đó, tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được chi trả hàng năm là một nguồn thu giúp kết nối cộng đồng dân cư thôn và phát triển sinh kế cho người làm nghề rừng.

Hình ảnh tại buổi “Tập huấn quản lý sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế có lồng ghép giới tại thôn/làng” tổ chức tại huyện Đăk Glei
Hình ảnh tại buổi “Tập huấn quản lý sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế có lồng ghép giới tại thôn/làng” tổ chức tại huyện Đăk Glei

Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai đưa vào thực hiện đã mang lại nhiều lợi ích như: tăng diện tích rừng được bảo vệ, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn tiền DVMTR tại các thôn/làng do chưa có sự hướng dẫn từ cơ quan quản lý và trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của nó. Việc người dân chỉ chú trọng dùng tiền DVMTR cho các hoạt động cộng đồng và chia cho các hộ được giao đất, bảo vệ rừng mà chưa chú ý đến việc sử dụng tiền này để phát triển sinh kế khiến đời sống của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn. Từ đó, ý thức và trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của những hộ này cũng bị ảnh hưởng.

Toàn tỉnh Kon Tum có 22 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng từ năm 2011-2015, trong đó chủ yếu thuộc huyện Đăk Glei. Người dân được giao rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện phát triển sản xuất chưa cao. Sau khi hoạt động chi trả DVMTR đưa vào thực hiện, thu nhập từ nguồn chi trả đạt bình quân mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 18 triệu đồng/cộng đồng/năm. Đây là một nguồn thu tương đối lớn so với thu nhập của các hộ gia đình sống trong rừng và gần rừng.

Trong tháng 9/2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã phối hợp tổ chức chương trình “Tập huấn quản lý và sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế có lồng ghép giới tại thôn/làng” tại huyện Đăk Glei - địa bàn có nhiều cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng của tỉnh Kon Tum.

Chương trình không những giúp người dân được giao đất trên địa bàn biết cách sử dụng tiền DVMTR một cách hiệu quả vào việc quản lý, bảo vệ rừng mà còn giúp họ lập kế hoạch sử dụng nguồn tiền này vào công tác cộng đồng và phát triển sinh kế.

Tại chương trình tập huấn, bà con được cán bộ tư vấn dự án Tăng cường thực thi chính sách chi trả DVMTR (IPFES) hướng dẫn quản lý và sử dụng hiệu quả tiền DVMTR thu được. Bắt đầu từ việc bầu chọn ra một Ban quản lý (BQL) tiền DVMTR của thôn/làng, BQL này có trách nhiệm tổ chức họp cộng đồng để lập kế hoạch sử dụng tiền DVMTR sau khi nhận được thông báo về số tiền dự kiến nhận được trong năm.

Kế hoạch đưa ra trước cả cộng đồng để lấy ý kiến, sao cho việc chi tiêu, sử dụng nguồn tiền này đảm bảo công khai, minh bạch; nâng cao năng lực và trách nhiệm của cộng đồng dân cư về quản lý và bảo vệ rừng; tăng cường sự tham gia quản lý, kiểm tra và giám sát việc bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng và các bên liên quan; đặc biệt thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế của các hộ gia đình trong thôn/làng.

Chương trình nhận đã được sự quan tâm tham gia của đại diện các thôn/làng được Nhà nước giao đất rừng. Anh A Riết – thành viên của BQL tiền DVMTR thôn Xốp Dùi (huyện Đăk Glei) phấn khởi: “Nhờ nguồn tiền DVMTR mà các hoạt động cộng đồng ở thôn Xốp Dùi được tổ chức đầy đủ hơn, kết nối được bà con với nhau. Bà con cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng ở nơi mình đang sinh sống. Thông qua buổi tập huấn, BQL của tôi đã biết thêm về việc sử dụng tiền DVMTR vào phát sinh kế cho các hộ dân, thay vì chỉ chi trả cho các hoạt động cộng đồng và bảo vệ rừng như trước kia”.

Anh Nguyễn Anh Dũng – đại diện đơn vị tư vấn dự án IPFES chia sẻ: “Hi vọng, đợt tập huấn này sẽ tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng (tuần tra, trồng cây…); giúp bà con sử dụng tiền này để phát triển sinh kế, thành lập quỹ vay để phát triển sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi…); nâng cao năng lực cho bà con trong công tác quản lý tiền, tham gia các hoạt động thôn/làng”.

Bài & ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Hướng dẫn người dân sử dụng tiền DVMTR phát triển sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO