Kinh Môn - Hải Dương: Nhiều bến bãi hoạt động không phép về đê điều

10/08/2018 10:15

(TN&MT) - Hiện nay, đang vào đợt cao điểm trong mùa mưa lũ, song trên các bãi sông, tuyến đê thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có hàng chục, hàng trăm điểm vi phạm pháp luật về đê điều. Việc tăng cường công tác quản lý đê điều, xử lý, giải tỏa các vi phạm về xây dựng công trình, chứa vật liệu xây dựng, chất đốt, nguyên liệu sản xuất trên dọc bãi sông trong mùa lũ trở nên cần thiết và cấp bách.

74/86 bến bãi hoạt động không phép

Huyện Kinh Môn có 85 km đê gồm 4 tyến sông Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách và sông Hàn Mấu. Với đặc thù là huyện công nghiệp, có nhiều mỏ đá, các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép, lại nằm sát tỉnh Quảng Ninh nên bến bãi kinh doanh than, vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho các nhà máy ở Kinh Môn phát triển mạnh.

Kinh Môn
Bãi than chất như núi ở bãi sông thuộc xã Hiệp Sơn và thị trấn Kinh Môn trong mùa lũ.

Đến hết tháng 7-2018, trên địa bàn huyện Kinh Môn có 86 bến bãi các loại, song có tới 79 bến bãi hoạt động không phép và hết phép hoạt động ngoài bãi đê, bãi sông (74 bến bãi không phép, 5 bến hết phép).

Trong các bến bãi đang hoạt động, Kinh môn có 35 bến bãi hoạt động kinh doanh than, trong đó có 26 bến bãi được UBND tỉnh có quyết định chấp thuận địa điểm kinh doanh than. Còn lại là các bến tự phát, hoạt động “chui” từ nhiều năm qua. Trong 35 bến kinh doanh than chỉ 2 bến bãi có phép hoạt động ngoài bãi đê, bãi sông do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cấp, còn lại 33 bãi không được cấp phép. Các bến hoạt động trong mùa lũ, nhiều bến than chất tải quá quy định, cao 3 đến 4 mét chưa được các cấp chính quyền xử lý.

Với các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, huyện Kinh Môn đang có 44 bến bãi hoạt động, song chỉ có 1 bến được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép cho hoạt động ngoài bãi đê, bãi sông; 3 bến đã hết hạn chưa xin cấp lại; còn 40 bến bãi chưa có giấy phép (trong số đó nhiều bến không nằm trong quy hoạch của huyện). Nhiều bến bãi chất tải vật liệu cao từ 3 đến 5 mét.

Bên cạnh đó Kinh môn còn có 7 bến bãi chứa quặng và vật liệu khác. Đó là các bãi chứa lớn đá xay để làm nguyên liệu sản xuất xi măng của Công ty xi măng Thành Công III, Công ty TNHH Phú Tân, bãi chứa quặng nguyên liệu sản xuất thép, bãi nguyên liệu để sản xuất muối của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Sơn Thái, Công ty CP chế biến hàng XNK Đà Nẵng, những đơn vị này có các điểm chất tải cao từ 3 đến 7 m.

Ngoài vi phạm bến bãi, mỗi năm, huyện Kinh Môn có hàng chục điểm vi phạm xây dựng trong lĩnh vực đê điều như: Xây nhà, công trình kiên cố trên bãi sông, xây dựng chuồng trại, mố cẩu, tuyển than. Nếu năm 2017 có 17 điểm vi phạm mới, thì từ đầu năm tới nay đã có 16 vi phạm mới. Tiêu biểu vi phạm là Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hàn xây dựng bể rửa than chìm và nổi, xây dựng máng tuyển than, nhà tạm, tường bao dài gần 100m thuộc vị trí K 41+341 đến K41+406, ảnh hưởng tới việc thoát lũ đê hữu sông Kinh Thầy.

Vi phạm có được xử lý?

Ngay từ cuối tháng 4, đầu tháng 5-2018, UBND huyện Kinh Môn đã họp lãnh đạo UBND các xã, thị trấn cùng các ngành chức năng yêu cầu kiểm tra, xử lý , giải tỏa bến bãi ngoài bãi sông vi phạm. Trong đó UBND cấp xã là chủ trì chính trong việc xử lý vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, Kinh Môn đã có 16 vi phạm mới, giảm 2 điểm vi phạm so với năm trước. Các xã, thị trấn phối hợp với Hạt quản lý đê điều huyện Kinh Môn, các cơ quan liên quan kiểm tra, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp không chấp hành xử lý theo thẩm quyền. Kiểm tra rà soát, thống kê các hoạt động khai thác đất, cát, sỏi, các hoạt động bến bãi, liên quan đến đê điều thoát lũ. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi, kinh doanh vật liệu xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến đê điều, thoát lũ phải dừng hoạt động và di chuyển máy móc, trang thiết bị, giải tỏa nguyên, nhiên, vật liệu, thanh thải vật cản lũ trên bãi sông…- Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều huyện Kinh Môn cho biết.

Cũng trong thời gian qua, thực hiện Luật đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, xã Thái Thịnh tổ chức lực lượng dỡ được một nhà xây lợp mái tôn rộng trên 200 m2; xã Minh Hòa dỡ được 1 nhà xây và móng nhà trên 200m2. Các vật tư, nguyên vật liệu được giải tỏa, di dời, bảo đảm hành lang thoát lũ… 

Tuy nhiên, với việc vi phạm của Công ty Cổ phần Thương mại Sông Hàn xây dựng bể rửa than chìm và nổi, xây dựng máng tuyển than, nhà tạm, tường bao…Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Môn cho rằng, lực lượng của thị trấn không thể dỡ bỏ vi phạm của doanh nghiệp này. Doanh nghiệp lấy lý do được UBND tỉnh chấp thuận cho phép kinh doanh than nên đã đầu tư xây dựng. Đất đai của công ty cũng liên quan đến địa phương khác, nhiều khi doanh nghiệp chưa hợp tác.

Chính vì thế, các bến bãi, nhất là hoạt động của các bãi chế biến, kinh doanh than ở Kinh Môn vẫn diễn ra các vi phạm. Hàng chục bến bãi ỷ thế có quyết định chấp thuận đầu tư cho phép kinh doanh than, được lãnh đạo UBND tỉnh ký như lá bùa hộ mệnh, mặc sức sản xuất kinh doanh than cả trong mùa lũ, mặc cho ô nhiễm môi trường, không tuân thủ Luật đất đai, trốn các loại thuế, thiếu nghiêm trọng các thủ thục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp, có những bến bãi đã hoạt động gần chục năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh Môn - Hải Dương: Nhiều bến bãi hoạt động không phép về đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO