Vườn cây xơ xác vì bụi; nền nhà, tường nhà bị nứt toác; có hộ gia đình do tường bao bị đổ gây hư hỏng phòng ở nên phải đập ra xây lại; một số đoạn suối chảy qua khu dân cư bị bồi lắng gây tắc dòng chảy; vài ngôi mộ cạnh nghĩa trang cũng bị đất đá trôi xuống vùi lấp ... Đó là thực trạng mà người dân ở tổ dân phố số 5, thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, Hà Nam) đang phải chịu đựng, gồng mình vượt qua sau khi dự án sân golf Kim Bảng bắt đầu thi công.
Một góc sân golf Kim Bảng đang thi công nhìn từ xa |
Thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dự án sân golf Kim Bảng và biệt thự nghỉ dưỡng có tổng diện tích 198,24 ha, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng do công ty cổ phần Golf Trường An làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I bao gồm 18 hố golf và nhà câu lạc bộ, giai đoạn II bao gồm 18 hố golf và khu biệt thự nghỉ dưỡng. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội.
Ấy nhưng theo người dân nơi đây, khi thi công công trình này, đơn vị thi công đã không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và để xảy ra nhiều sự cố. Bà Tạ Thị Mịch, một người dân sống gần sân golf phản ánh: “Tôi sống ở đây hơn 40 năm, mỗi khi mưa lớn, chưa bao giờ nước bùn dềnh vào nhà. Thế nhưng thời gian gần đây, mỗi khi có mưa lớn, nước bùn lại dềnh vào nhà và để lại rất nhiều bùn đất. Gia đình dọn dẹp mấy ngày mới hết số bùn đó”.
Bà Nguyễn Thị Phích, một người dân khác cho biết thêm: “Bao nhiêu năm chúng tôi ở đây không bị như thế này. Trước kia chưa có sân golf, còn có cây, mưa to cây chắn. Nhưng bây giờ cây cối chặt hết đi rồi nên khi mưa lớn làm đất đá trôi xuống lấp đầy dòng suối khiến mực nước dâng lên nhanh. Nước chảy đến đâu, kéo theo bùn đất đến đấy. Nhà tôi, nước chảy tràn kéo theo bùn đất đầy vào trong nhà”.
Nhằm làm rõ thông tin phản ánh của người dân, phóng viên đã có mặt tại khu vực đang thi công sân golf Kim Bảng để tìm hiểu. Tại thời điểm có mặt, chúng tôi tận mắt chứng kiến từng đoàn xe tải hạng nặng có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá tải nối đuôi nhau, chạy rầm rập ra vào vận chuyển đất từ dự án đi nơi khác. Con đường dân sinh chạy từ quốc lộ 21A qua khu dân cư vào khu nghĩa trang bỗng nhiên trở thành cung đường nhộn nhịp đủ các loại xe tải hạng nặng ra vào. Các xe chở đầy đất, đá nhưng che chắn sơ sài. Mỗi khi xe chạy qua khu dân cư, bụi cuốn bay mù mịt, đất rơi vãi tung tóe. Vì thế, một số tuyến đường dân sinh ở tổ dân phố số 5 luôn trong tình trạng bụi đất bám đầy mặt đường; nhiều đoạn đường xuống cấp, mặt đường bị cày nát, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ gà.
Theo một số hộ dân, nhà cửa của họ bị nứt là do quá trình thi công sân golf Kim Bảng |
Theo người dân phản ánh, ngày mưa thì đường lầy lội, trơn trượt; ngày nắng thì bụi mù mịt; có thời điểm hơn 100 xe trọng tải lớn tham gia vận chuyển đất đá, chạy suốt ngày đêm gây rung lắc nhà cửa, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là cho các cháu học sinh đi học hàng ngày. Bà Lê Thị Thuyên, bức xúc: “Nhà tôi xây 6 năm nay, không làm sao. Nhưng vừa rồi xe ô tô chạy nhiều làm bể chứa nước bị nứt, tường nhà cũng bị nứt nên mỗi khi trời mưa là nhà bị dột, nước theo khe nứt chảy vào nhà”.
Quá bức xúc trước thực trạng trên, người dân tổ dân phố số 5 đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí. Nội dung đơn kiến nghị nêu rõ: “Thời gian qua, bà con chịu ảnh hưởng rất nhiều từ việc xây dựng sân golf. Cụ thể, các loại xe chở đất hàng ngày chạy qua gây tiếng ồn và bụi bẩn làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Đã nhiều lần, người dân kiến nghị tới đơn vị thi công, cấp chính quyền, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều năm qua, mặc dù có những trận mưa to và kéo dài nhưng chưa bao giờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho người dân sinh sống ở đây. Từ khi xây dựng sân golf, việc chặt phá hàng loạt các loại cây to ở ven đồi và tôn bồi đất trong các thung lũng đã làm lấp đi các dòng suối nhỏ. Vì vậy, khi mưa xuống, nước dồn về khu dân cư đã gây đổ tường bao, cuốn trôi nhiều vật nuôi và hoa màu. Nước dâng cao cũng kéo theo bùn đất tràn vào nhà, làm hỏng đồ dùng sinh hoạt và các loại máy móc phục vụ sản xuất, gây nguy hiểm tính mạng người dân … Người dân lo ngại, nếu những tồn tại không được quan tâm giải quyết kịp thời và triệt để, hệ lụy sẽ khôn lường”.
Thế nhưng trước những kiến nghị khẩn thiết trên của người dân tổ dân phố số 5 - thị trấn Ba Sao, các cơ quan hữu quan của tỉnh Hà Nam nói chung và huyện Kim Bảng nói riêng đã có những hành động cụ thể gì? Và liệu tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
Xuân Phương - Nguyễn Hiếu – Phạm Thiệu