PV: Xin ông cho biết, các thách thức mà Đà Nẵng đang gặp phải trong thu gom, xử lý chất thải rắn nói chung và ô nhiễm từ rác thải nhựa và ni lông nói riêng để hướng đến việc xây dựng thành phố vì môi trường?
Ông Đặng Việt Dũng:
Qua thống kê đối với chất thải rắn sinh hoạt của thành phố có sự gia tăng nhanh trong 3 năm gần đây, nhất là vào năm 2018 - 2019, tỷ lệ tăng lên đến 18 - 20%.
Đến nay, mỗi ngày, thành phố Đà Nẵng có trên 1.100 tấn rác/ngày được xử lý chôn lấp vệ sinh. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật đối với việc thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải rắn của thành phố chưa thực sự đảm bảo. Thời gian qua, hệ thống hạ tầng trung chuyển có sự suy giảm (các trạm, phương tiện), dẫn đến phát sinh nhiều điểm trong khu dân cư trở nên nhếch nhác do rác thải, nhiều khu vực ven đô thị chưa được tổ chức thu gom, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cục bộ.
Chúng tôi nhận thấy, trong thành phần rác thải của thành phố như hiện nay, có sự gia tăng đáng kể rác thải nhựa và các loại rác khó phân hủy. Do đó, việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải rất quan trọng đối với thành phố.
PV: Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được triển khai trên địa bàn thành phố như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Việt Dũng :
Từ tháng 10/2018, với sự phát động của Bộ TN&MT, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo, giao Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức triển khai. Trong thời gian qua, thành phố đã thường xuyên yêu cầu kiểm tra, rà soát việc thực hiện, đã có nhiều hoạt động, hình thức khá tiêu biểu.
Cụ thể là Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chủ động đề xuất và triển khai mô hình “Thùng thu gom rác thải nhựa”, hiện đã triển khai phát 40 thùng cho cấp cơ sở.
Còn ngành Du lịch thành phố đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng về giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn. Qua đó, 45 cơ sở đã ký cam kết hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần (hộp xốp, ly nhựa, ống hút, túi ni lông…)
UBND quận Thanh Khê đã tổ chức tập huấn cho đối tượng là các chủ tàu thuyền, ngư dân đang sinh sống và làm việc tại quận Thanh Khê. Qua đó, 80 chủ tàu thuyền ký cam kết thu gom, giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh trong quá trình sinh hoạt và đánh bắt xa bờ; trao 150 giỏ đi chợ thay thế thói quen sử dụng túi ni lông.
Trong Chương trình Mùa du lịch biển năm 2019, Sở TN&MT đã phối hợp với Công ty TNHH Hành trình Sinh thái Xanh tổ chức Giải Chạy bộ Xanh - chân trần trên cát đầu tiên tại Đà Nẵng “Barefoot Green Run 2019” thu hút sự tham gia của gần 150 người dân, khách du lịch và vận động viên chạy bộ không chuyên với những thông điệp ý nghĩa, giải pháp cụ thể nhằm lan truyền văn hóa giảm thiểu rác thải nhựa trong các sự kiện.
Tại mỗi cơ quan, đơn vị, UBND thành phố đã đề nghị tuyên truyền, vận động, khuyến khích người lao động không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến nay, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi tích cực, triển khai sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay thế chai nhựa tiện dụng trong các buổi họp và buổi tiếp khách,…
PV: Để chống rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở hình thức, phong trào, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Đặng Việt Dũng:
Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP. Đà Nẵng bước đầu đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cộng đồng và người dân thành phố; nhiều các hoạt động sôi nổi đã diễn ra và đạt được công tác truyền thông rất tốt.
Tại một số cơ sở, địa phương như Hải Châu, Thanh Khê, các hoạt động phân loại, thu gom các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông khó phân hủy đã bắt đầu được duy trì định kỳ với sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp.
UBND TP. Đà Nẵng xác định đây là một tiêu chí rất có ý nghĩa để hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố Môi trường. Trong các tiêu chí ở giai đoạn mới, thành phố đã bổ sung chỉ tiêu cụ thể về giảm rác thải nhựa, túi ni lông cần đạt được tại các cấp quận, huyện và Sở, ngành. Đây sẽ là hoạt động xuyên suốt trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố.
Thành phố sẽ tiếp tục chủ động để rà soát, đánh giá, từ đó, yêu cầu, tổ chức các hoạt động thiết thực, gắn bó ngay tại cơ quan, đơn vị và người lao động. Thành phố sẽ có các hình thức khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực trong công tác này.
PV: Từ kinh nghiệm chống rác thải nhựa tại địa phương, xin ông cho biết, về phía thành phố có đề xuất gì để góp phần quản lý hiệu quả rác thải nhựa?
Ông Đặng Việt Dũng:
Đối với phong trào chung về chống rác thải nhựa, ở cấp thành phố rất cần một số các chính sách cụ thể để huy động, phát huy sự tham gia của các doanh nghiệp có chiến lược trong đầu tư chuyển đổi công nghệ, tiếp cận với công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhiên, nguyên vật liệu, từ đó, góp phần giảm phát thải ra môi trường.
Do đó, ở cấp quốc gia, cần sớm có những chính sách cụ thể làm thế nào để các doanh nghiệp địa phương mạnh dạn, quyết tâm hơn tổ chức đầu tư, chuyển đổi công nghệ trong thời gian sớm. Đối với các loại hình sản xuất sử dụng nguyên liệu nhựa, vật liệu khó phân hủy, gây phát thải nghiêm trọng, phải sớm có các giải pháp xử lý phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trong không khí đầy quyết tâm của cả nước chung sức đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa, ngày 28/9/2019, Báo Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng tổ chức Chiến dịch ra quân “Làm sạch biển” và Tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý - Doanh nghiệp - Truyền thông” tại TP. Đà Nẵng. Đây là Chương trình nằm trong chuỗi Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. |