Kiên quyết xử lý khai thác khoáng sản trái phép

24/06/2016 00:00

(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường vừa đăng loạt bài “Dai dẳng nỗi đau khoáng tặc Quảng Nam” phản ánh vấn đề khó khăn trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn mối nguy hiểm tính mạng con người.  Liên quan đến tình trạng này, PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

 

Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐC&KS Việt Nam
Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐC&KS Việt Nam

PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, nguyên nhân của việc này? Ông có suy nghĩ gì về thông tin cho rằng còn tồn tai nạn khai thác khoáng sản trái phép là do có sự bảo kê ở một số địa phương?

Ông Lại Hồng Thanh: Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằn ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Nhờ đó, đã giảm từ 47 tỉnh, thành phố, năm 2012 xuống còn 40 tỉnh, thành phố, năm 2015 có hoạt động khai thác trái phép; số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép giảm từ 27 loại, năm 2012 xuống 10 loại, năm 2015. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, nhưng có một số nguyên nhân chính đó là: Các địa phương chưa xử lý mạnh mẽ, cương quyết đối với người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để diễn ra hoạt động khai thác trái phép; tái diễn hoặc diễn ra công khai, lâu dài mà không xử lý dứt điểm.

Thứ hai, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, xã khi xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là cát sỏi lòng sông chưa chặt chẽ, đồng bộ và kịp thời.

Thứ ba, khi đã phát hiện điểm khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương mới thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thì còn kém hiệu quả do mang nặng tính hành chính, chưa kịp thời.

Thứ tư, từ nhiều năm, có một bộ phận người dân ở một số địa phương, đời sống hết sức khó khăn, không có nghề ổn định đã coi khai thác (cát sông, sét gạch ngói, đá ong, đá chẻ) như là một nghề để mưu sinh hàng ngày.

Thứ năm, khoáng sản quý, hiếm thường phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; đời sống nhân dân khó khăn, dân trí thấp. Trong khi đó lực lượng quản lý khoáng sản rất mỏng, thiếu phương tiện, kinh phí nên không thường xuyên kiểm soát để phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Như báo chí phản ánh, tại một số địa phương có dấu hiệu của sự tiếp tay, làm ngơ thậm chí “bảo kê” của một số cán bộ có thẩm quyền cho khai thác khoáng sản trái phép. Đã có cán bộ lãnh đạo cấp huyện của tỉnh Đồng Tháp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự là minh chứng cho thực trạng này.

PV: Theo ông, về phía nhà quản lý, chúng ta cần làm gì để bảo vệ tốt những tài nguyên chưa khai thác? Đặc biệt, đối với những địa phương như Quảng Nam, theo ông, tỉnh cần triển khai những công tác gì để chấn chỉnh công tác này?

Ông Lại Hồng Thanh: Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản năm 2010 đã được Chính phủ, các Bộ ngành ban hành khá đầy đủ, là cơ sở pháp lý quan trọng cho quản lý nhà nước về khoáng sản. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Bộ Luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/7/2016 tại Điều 227 cũng đã quy định “Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” trong đó tài nguyên khoáng sản. Như vậy có thể nói, về mặt thể chế cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cơ bản đã hoàn thiện. Điều quan trọng phải tổ chức thực hiện tốt các quy định này. Cụ thể như: Tiếp tục tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản một cách rộng rãi, nhất là chính quyền cấp xã và cho người dân nơi có khoáng sản.

Kiên quyết xử lý khai thác khoáng sản trái phép
Kiên quyết xử lý khai thác khoáng sản trái phép

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh cần ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương; phối hợp với các địa phương có chung địa giới hành chính ban hành quy chế phối hợp trong việc quản lý khoáng sản vùng giáp ranh để chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn sớm các nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép và nâng cao hiệu quả công tác này. Đồng thời, kiên quyết xử lý, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử lý người đứng đầu cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép; để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý dứt điểm;

Ngoài ra, sẽ thiết lập “đường dây nóng” tại Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng như tại các địa phương để tiếp nhận thông tin khai thác khoáng sản trái phép và kịp thời xử lý; có cơ chế bảo vệ và khen thưởng cho người cung cấp thông tin khai thác khoáng sản trái phép; Bộ Tài chính cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cách lập dự toán chi ngân sách cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để các địa phương có cơ sở thực hiện.

PV: Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam kiến nghị, căn cứ vào đề nghị của tỉnh và kết quả đánh giá khoáng sản trong giai đoạn điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ TN&MT, Tổng cục sớm khoanh định và công bố là khu vực có khoáng sản phân bố nhỏ, lẻ để tỉnh cấp phép, nhằm hạn chế khai thác trái phép. Đồng thời không bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện điều tra, đánh giá gây tốn kém, mất thời gian với các mỏ nhỏ lẻ này, ông nghĩ sao về về vấn đề này?

Ông Lại Hồng Thanh: Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật khoáng sản, khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ là khu vực chỉ phù hợp với hình thức khai thác nhỏ và được khoanh định trên cơ sở “kết quả đánh giá khoáng sản trong giai đoạn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.”. Như vậy, một khu vực có khoáng sản nếu muốn xác định có phù hợp với quy định của Chính phủ tại Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 là khu vực phân tán, nhỏ lẻ hay không thì phải dựa trên cơ sở thông tin tài nguyên, trữ lượng đã được điều tra, thăm dò.

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; trên cơ sở các quy định nêu trên về khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã khoanh định và trình Bộ TN&MT công bố 18 khu vực có khoáng sản là khu vực phân tán, nhỏ lẻ để UBND tỉnh quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. Các khu vực còn lại chưa đáp ứng các quy định nêu trên nên chưa đủ cơ sở về tài nguyên và trữ lượng xác định là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

PV: Kể từ khi Nghị định Nghị định 203 về cấp quyền khai thác khoáng sản ra đời, cơ quan quản lý cho rằng đây là một cải cách lớn trong cách tính phí tài nguyên để tránh thất thoát, minh bạch hoạt động khai thác. Song nhiều Doanh nghiệp ở Quảng Nam vẫn cho rằng việc thu tiền cấp phép khiến phí chồng phí gây khó khăn cho doanh nghiệp, ông đánh giá gì về kiến nghị này?

Ông Lại Hồng Thanh: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 1, Điều 77, Luật khoáng sản và Chính phủ đã quy định phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013. Bản chất của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là Nhà nước (đại diện chủ sở hữu khoáng sản khi cấp phép khai thác (giao quyền khai thác khoáng sản) cho tổ chức, cá nhân có thu tiền. Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản bằng 5% trữ lượng khoáng sản được phép khai thác (khi đấu giá tối thiểu bằng 5% trữ lượng khoáng sản của mỏ đưa ra đấu giá) mà không tính theo sản lượng khai thác thực tế.

Đây là một chính sách, một quy định mới của Luật khoáng sản năm 2010 nhằm tăng thu ngân sách, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực thực sự về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư khai thác khoáng sản mà không phải là “phí chồng phí”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trường Giang (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết xử lý khai thác khoáng sản trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO