Kiên Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

20/06/2018 08:42

(TN&MT) - Từ báo cáo của Tỉnh ủy Kiên Giang cho thấy, qua hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn  tỉnh Kiên Giang đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa toàn diện, chuyển biến chưa căn bản và chưa thật sự vững chắc.

R1
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý việc chặt đốn cây rừng trái phép

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em đánh giá, năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm tập trung chỉ đạo. Diện tích rừng và độ che phủ được duy trì ổn định, công tác tác giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng được chú trọng, đảm bảo đúng quy định nhà nước.

Diện tích rừng của tỉnh Kiên Giang được giữ vững ổn định, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 79.861ha. Cắm mốc, xác định ranh giới trên bản đồ và ngoài thực địa từng bước được cải thiện. Tăng cường kiểm tra kiểm soát lâm sản, cứu hộ nhiều động vật hoang dã thả về môi trường tự nhiên.

Tổng diện tích rừng trồng mới và sau khai thác được 2.175ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 597ha, trồng trên 500.000 cây phân tán các loại. Đã quy hoạch vùng nguyên liệu trên 4.000ha phục vụ cho nhà máy chế biến gỗ MDF Kiên Giang. Triển khai trồng thay thế được 21ha khu vực rừng phòng hộ ven biển An Minh. Riêng khu vực trồng rừng ngập mặn ven biển huyện huyện Hòn Đất và Kiên Lương, với diện tích đang trồng là 57,5ha và đang lập hồ sơ để trồng mới 43ha.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em, việc trồng rừng thay thế của tỉnh được triển khai chủ yếu ở khu vực ven biển nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển, chắc sóng, chắn gió, bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định sản xuất và người dân vùng ven biển.

Từ năm 2015, Kiên Giang đã hoàn thành công tác kiểm kê tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó đang tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

R2
Lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em cũng nhìn nhận, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương này thời gian qua có chuyển biến nhưng kết quả vẫn chưa toàn diện, chưa thật sự vững chắc. Trong đó, tình trạng khai thác rừng trái phép để nuôi thủy sản ở tuyến rừng phòng hộ ven biển vẫn còn xảy ra. Tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng ở một số địa phương chưa được giải quyết triệt để, nhất là ở huyện Phú Quốc trong thời gian gần đây số vụ vi phạm gia tăng so với năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch chưa chú trọng đến bảo vệ và phát triển rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng. Công tác phát triển rừng chậm tiến độ so với kế hoạch. Thực hiện chính sách xã hội hóa trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em cũng cho rằng, hiện nay tình hình thời tiết diễn biến khó lường, nắng hạn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng trên diện rộng là rất cao. Đồng thời, tình hình xói lở bờ biển tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh với tuyến đê biển dài khoảng 200km, nhưng có đến tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 37km, trong đó có khoảng 34km sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Diện tích đất rừng ven biển bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500ha, chiều rộng bị sạt lở mất đi đất rừng ven biển từ 60m -300m. Trong đó nguồn vốn của tỉnh để khắc phục trình trạng sạt lở còn nhiều khó khăn.

Từ những hạn chế nêu trên, để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gain tới đi vào nề nếp, Tỉnh ủy Kiên Giang đề ra giải pháp chỉ đạo tăng cường kiểm tra trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng. Duy trì phối hợp có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội trong việc kiểm tra, truy quét, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, bao chiếm, mua bán đất rừng trái pháp luật và tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy rừng mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

“Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vị, địa bàn mình quản lý hoặc để cho tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO