Kiên Giang: Sạt núi Ba Hòn, 1.000 người dân cần được sơ tán khẩn cấp

09/05/2016 00:00

(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn vừa ký Quyết định số 1021/QĐ-UBND, công bố khu vực chân núi Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên...

 
(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn vừa ký Quyết định số 1021/QĐ-UBND, công bố khu vực chân núi Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương là khu vực nguy hiểm do sạt lở đá. 
 
Theo báo cáo của UBND huyện Kiên Lương, hiện tại khu vực ấp Hoà Lập dưới chân núi Ba Hòn có 196 hộ với khoảng 1.000 người dân sinh sống, trong đó có 31 hộ sống ngay sát chân núi, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, buôn bán nhỏ và lao động phổ thông. 
 
Theo báo cáo của Sở TN&MT Kiên Giang, tối ngày 5/7/2012 tại chân núi Ba Hòn đã xảy ra sạt lở tám tảng đá, tảng nhỏ nhất trên 100kg, lớn nhất trên 2 tấn làm hư hại năm căn nhà của dân. Sau đó, ngày  24/9/2012, một số tảng đá khá to sụp lở rơi xuống trúng nhà của hai hộ dân là ông Nguyễn Văn Cư và bà Phạm Thị Út sinh sống ngay dưới chân núi. Rất may, cả hai lần lở núi đều không gây thiệt hại về người, do vào thời điểm đó người dân ra biển đánh cá. 
 
Núi Ba Hòn, khu vực nguy hiểm do sạt lở đá
Núi Ba Hòn, khu vực nguy hiểm do sạt lở đá
 
Ngay sau khi núi lở lần đầu tiên vào tháng 7/2012, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo huyện Kiên Lương di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm về xã Kiên Bình, cách đó khoảng 10 km. Nhưng khi thông báo chủ trương di dời sang nơi ở mới để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng, thì chỉ có 6 hộ dân đồng tình, còn lại yêu cầu huyện phải công bố mức giá đền bù giải toả trước, rồi mới chịu đi. Thậm chí có hộ còn tuyên bố dứt khoát không đi, với lý do sang nơi ở mới không biết làm gì để sống.
 
Tại Quyết định số 1021/QĐ-UBND,  UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu  Sở TN&MT phối hợp với  UBND  huyện Kiên Lương và các đơn vị có liên quan tiến hành ngay việc xác định ranh giới khu vực sạt lở đá, cắm mốc và biển báo khu vực nguy hiểm; tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở đất đá, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn.
 
Đặc biệt, tổ chức thực hiện việc di dời nhà cửa, vật kiến trúc ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Cương quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và bố trí các hộ dân vào khu tái định cư của dự án do huyện lập. Trong trường hợp bất khả kháng, buộc phải tiến hành cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản người dân. Chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện thường trực để hỗ trợ địa phương thực hiện công tác di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện việc hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi ở an toàn đúng theo chính sách, quy định hiện hành….
 
Tin & ảnh: Giang Sơn
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Sạt núi Ba Hòn, 1.000 người dân cần được sơ tán khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO