Kiên Giang dừng đề án chế biến cá nóc xuất khẩu

18/06/2015 00:00

(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn vừa  chấp thuận dừng thực hiện Đề án thí điểm mở rộng và nâng cao về khai thác, thu mua, chế biến,...

 

(TN&MT) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn vừa  chấp thuận dừng thực hiện Đề án thí điểm mở rộng và nâng cao về khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá nóc giai đoạn II (2012-2015) theo đề nghị của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang. Kiên Giang là một trong 04 tỉnh (Phú Yên, Khánh Hoà và Bà Rịa – Vũng Tàu) được  Bộ NN&PTNT phê duyệt thực hiện Đề án tiếp tục thí điểm thu mua, chế biến cá nóc xuất khẩu giai đoạn 2013 – 2015.

Theo Đề án thì tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thu mua, chế biến 1.200-1.500 tấn/năm, xuất khẩu 500 tấn/năm cá nóc thành phẩm. Phú Yên thu mua, chế biến 1.000 -1200 tấn/năm, xuất khẩu 500 tấn/năm cá nóc thành phẩm. Còn Khánh Hòa thu mua, chế biến 500-600 tấn/năm, xuất khẩu 200 - 240 tấn/năm cá nóc thành phẩm. Giá trị xuất khẩu cá nóc thành phẩm ước đạt 49,92 tỷ đồng. Dự kiến sẽ đề án sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 1.000 lao động là công nhân chế biến thủy sản, ngư dân, công nhân cơ sở thu mua thủy sản. Tất cả cá nóc được khai thác, thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến trong Đề án thí điểm chỉ phục vụ mục đích xuất khẩu, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong khuôn khổ Đề án, người dân sẽ được tuyên truyền, phổ biến để phân biệt được cá nóc độc và không độc, được hướng dẫn sử dụng hợp lý nguồn lợi cá nóc ở địa phương.

Để thực hiện Đề án tỉnh Kiên Giang đã chọn Công ty Cổ phần Sao Biển là đơn vị được chỉ định chế biến, bảo quản và xuất khẩu cá nóc với đối tác Hàn Quốc.Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang kể từ khi được chỉ định tham gia Đề án đến nay Công ty Sao Biển vẫn chưa triển khai thực hiện. Không thỏa thuận và ký  kết hợp đồng  với đơn vị nhập khẩu được chỉ định theo Đề án là Công ty Sea World Tracding - Hàn Quốc. Do hai Công ty chế biến xuất khẩu và nhà  nhập khẩu không triển khai thực hiện, không thực hiện chế biến cá nóc xuất khẩu theo đề án nên không thu mua cá nóc từ các cơ sở thu mua nên các cơ sở thu mua được chỉ định cũng không thể triển khai thưc hiện được.

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang  ngoài việc thuận lợi là tỉnh có ngư trường rộng lớn, đội tàu khai thác nhiều, nhưng bên cạnh đó việc thực hiện Đề án cũng gặp một số khó khăn như: sản lượng cá Nóc khai thác tuy nhiều nhưng đa chủng loại. Trong đó chỉ có 03 loài được phép xuất khẩu (cá Nóc răng mỏ chim, cá Nóc xanh, cá Nóc bạc); kích cỡ phải đạt yêu cầu xuất khẩu (>=200gr/con) nên số lượng cá đáp ứng tiêu chuẩn đạt tỉ lệ rất thấp, chỉ chiếm tỉ lệ không quá 3% trên từng lô hàng.

Tàu khai thác cá Nóc chủ yếu là tàu lưới kéo (tàu cào) nên khai thác lẫn với cá khác nhiều do vậy giá cá nóc nguyên liệu thu mua không cao. Sản phẩm chế biến cá nó xuất khẩu chưa đa dạng (chủ yếu xuất khẩu cá nóc nguyên liệu qua loại bỏ nội tạng,đông nguyên con), kích cỡ >=200gr/con nên tỉ lệ cá xuất khẩu rất thấp, không tận dụng hết nguồn nguyên liệu cá nhỏ chiếm >95% sản lượng khai thác. Ngoài ra việc hai đơn vị là Công ty Sao Biển và đối tác Công ty Sea World Tracding - Hàn Quốc đã không quyết tâm, hợp tác với nhau thực hiện đề án, đây chính là nguyên nhân mà đề án không triển khai được.

Đề án thí điểm mở rộng khai thác, thu mua, chế biến cá nóc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn I, được Bộ NN&PTNT triển khai vào cuối năm 2009.  Mục tiêu của đề án là đến năm 2010, Việt Nam sẽ đưa sản lượng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng từ cá nóc (puffer fish) đạt 800 - 1.000 tấn với giá bán bình quân là 5 - 10 USD/kg, đến năm cuối của đề án là 2012 có thể đạt giá trị kim ngạch từ 4 - 10 triệu USD.

Dự án được thực hiện trong 3 năm từ 2010 - 2012 tại 5 địa phương là Quảng Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa và Kiên Giang. Công ty Poseidon Seafood Co., Ltd Co (Hàn Quốc) là doanh nghiệp được Bộ NN&PTTN chỉ định trực tiếp tiêu thụ cá nóc tại tỉnh Kiên Giang. Vào thời điểm năm 2010, tỉnh Kiên Giang đã chọn 02 doanh nghiệp là Công ty Huy Nam và Công ty Mai Sao (đều là doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu có uy tín tại Cảng cá Tắc Cậu) tham gia thực hiện đề án. Tuy nhiên, đối tác nhập khẩu do Bộ NN&PTNT chỉ định khi đó là Công ty Korea Poseidon seafood (Hàn Quốc) chỉ nhập lô hàng đầu tiên 22,756 tấn cá nóc vào ngày 31/10/2010,  sau đó im hơi lặng tiếng khiến Công ty Mai Sao tồn kho trên 35 tấn cá nóc thành phẩm phải tìm đối tác khác để tiêu thụ…

Bài & ảnh: Giang Sơn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang dừng đề án chế biến cá nóc xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO