Phát hiện đàn lợn 33 con có biểu hiện của bệnh dịch, ông Nguyễn Văn Trường ở thôn Lập Phương, xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) đã kịp thời thông báo cho lực lượng thú y lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn chết. Mặc dù thiệt hại về kinh tế nhưng ông Nguyễn Văn Trường cho biết, do được tuyên truyền từ trước về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch và tường tận chính sách hỗ trợ của thành phố nên người chăn nuôi ở đây không vứt xác lợn ra môi trường…
Thực tế, trong đợt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi này, vất vả nhất là lực lượng trực tiếp làm công việc tiêu hủy lợn. Hơn 3 tháng xâm nhiễm vào địa bàn thành phố, lực lượng này chưa có ngày được nghỉ. Bà Nguyễn Thị Toan, nhân viên thú y xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) thông tin, so với các loại bệnh dịch khác, lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi bị chết, sinh mùi, thu hút ruồi, muỗi đến rất nhanh. Vì vậy, để ngăn chặn phát tán mầm bệnh qua ruồi, muỗi và ô nhiễm môi trường, lực lượng thú y xã phải làm việc từ sáng sớm cho đến 20-21h, mặc dù phụ cấp mỗi tháng chỉ 417.000 đồng/người...
Ngoài tuyên truyền, động viên nhân dân, lực lượng thú y tham gia công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhiều địa phương đang nỗ lực tìm vị trí đất để tiêu hủy lợn mắc bệnh. Bà Trần Thị Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ chia sẻ: Ngày đầu dập dịch, hai xã Tiên Phương và Tân Tiến gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu hủy lợn do quỹ đất công đã cho đấu thầu, người dân đang canh tác hoặc lo ngại ô nhiễm nguồn nước, không khí... Sau khi thuê lại đất và kiên trì tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, hai xã này đã chọn được vị trí đất đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiêu hủy lợn mắc bệnh…
Tuy nhiên, nếu thời gian tới, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan, xâm nhiễm vào đàn nuôi quy mô lớn và mưa to gây ra úng ngập như năm 2018, các huyện thuộc vùng trũng thấp, chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai… sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm vị trí đất phù hợp để tiêu hủy lợn, kiểm soát môi trường. Trước thực trạng này, các địa phương kiến nghị các cấp, các ngành chức năng thay đổi cách tiêu hủy lợn như hiện nay bằng phương pháp thân thiện hơn với môi trường…
Về vấn đề trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố đang tích cực phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và sẽ sử dụng chế phẩm sinh học để tiêu hủy lợn mắc bệnh thành nguồn nguyên liệu hữu ích, không ô nhiễm môi trường. Trước mắt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động tìm kiếm các vị trí đất và tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tăng cường kiểm tra, quản lý, theo dõi chặt chẽ các hố chôn lợn, kịp thời xử lý hiện tượng sụt lún, sự cố môi trường… “Do đã vào mùa mưa lũ nên ngay từ thời điểm này, các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các địa phương nằm trong vùng trũng thấp, ảnh hưởng của lũ rừng ngang, cần rà soát, sớm điều chỉnh phương án phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi gắn với phương án phòng, chống thiên tai…”, ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.