Kiểm soát môi trường - Kỳ vọng vào sự quyết liệt của các Bộ, ngành

25/10/2016 00:00

(TN&MT) -Thời gian qua, sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung cùng với sự bùng phát các điểm nóng gây ô...

(TN&MT) - Thời gian qua, sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung cùng với sự bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường như xả thải, đổ thải, chôn lấp chất thải buộc Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương phải dốc sức để xử lý cũng như kiểm soát ô nhiễm. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề môi trường được "soi" xét kỹ lưỡng và xử lý quyết liệt như hiện nay.
 
Kiểm soát chặt ô nhiễm. Ảnh: MH
Kiểm soát chặt ô nhiễm. Ảnh: MH
 
Bộ TN&MT rà soát, chấn chỉnh việc tuân thủ bảo vệ môi trường
 
Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, vỡ hồ chứa titan tại Bình Thuận, cá chết trên sông Bưởi... Bộ TN&MT đã bước đầu tổ chức rà soát các dự án lớn và các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khâu đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị đầu tư, hoàn thành công trình trước khi đi vào hoạt động và khi công trình đang hoạt động để phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển. 
 
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhanh chóng ra quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước. Đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
Việc thanh tra toàn diện này nhằm đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các cơ quan hành chính Nhà nước và các cơ quan chuyên môn có liên quan, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chế định pháp luật. Đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường và đề xuất xử lý... Dự kiến cuối tháng 10/2016 sẽ hoàn thành tổng hợp báo cáo kết luận thanh tra; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra.
 
Theo Bộ Trưởng Trần Hồng Hà , ngoài những động thái trên, để quản lý, kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT còn rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, luyện thép từ quặng... tiếp cận với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến.
 
Chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu nhạy cảm về môi trường trước năm 2020.
 
Tới đây, tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc TN&MT trên phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường để xây dựng thông tin nền về môi trường, tạo cơ sở phân vùng môi trường, xác định sức chịu tải môi trường và nâng cao công tác hoạch định chính sách, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp đối với các dự án đầu tư...
 
Lần đầu tiên nhiều tập đoàn lớn  gây ô nhiễm bị nêu tên 
 
Bộ Công Thương vừa công bố tên gần 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nằm trong diện "giám sát đặc biệt.
 
Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau;  Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền...
 
Bên cạnh đó, đối với các nhà máy nhiệt điện than đang khiến dư luận lo lắng về phát  tán tro xỉ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Trưởng Bộ Công Thường Trần Tuấn Anh yêu cầu: Các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than, chủ đầu tư cần xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, yêu cầu đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường, khẩn trương hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ các nhà máy nhiệt điện (đặc biệt là các nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng) trong năm 2016. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải của nhà máy nhiệt điện thuộc các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, kết nối đến đơn vị chức năng của địa phương.
 
Trước đó, hồi đầu tháng 10, người đứng đầu ngành Công Thương – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn lãnh đạo các tập đoàn lớn, yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản… mong muốn chính những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của ngành phải đứng ra cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
 
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc làm trên của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan sẽ cho công chúng thấy một “thái độ thiện ý thực sự bằng những quyết định tiếp theo” trong việc giám sát, đánh giá một cách nghiêm ngặt tất cả các dự án, “chứ không chỉ dừng lại ở việc công bố rồi lại bỏ qua hết cả”. Ngoài ra, với lời cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế” chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng Việt Nam sẽ đề ra các quyết định phù hợp với nguyện vọng của người dân và không chọn các dự án gây tổn hại cho môi trường. 
 
Mai Chi
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát môi trường - Kỳ vọng vào sự quyết liệt của các Bộ, ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO