Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Tuệ Minh, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc. Ông Minh cho rằng, để hoàn thành kiểm kê đất đai, không phải đến kỳ kiểm kê chúng ta mới thực hiện mà phải liên tục cập nhật, chỉnh lý biến động để có những thông tin, dữ liệu, số liệu được cập nhật chính xác, kịp thời nhất.
Ông Phan Tuệ Minh, giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc |
Phóng viên: Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Xin ông cho biết một số kết quả triển khai công tác này trên địa bàn?
Ông Phan Tuệ Minh: Theo quy định của pháp luật, thống kê đất đai được thực hiện hàng năm, kiểm kê đất đai thực hiện 5 năm một lần. Vĩnh Phúc đã sớm triển khai kỳ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Thực hiện Chỉ 15 của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm kê đất đai, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã hướng dẫn, yêu cầu các huyện thị, đối tượng phải kiểm kê sớm thực hiện kiểm kê theo hệ thống mẫu biểu. Trước đây, hệ thống mẫu biểu là theo Thông tư 28 của Bộ TN&MT; tuy nhiên Bộ TN&MT đã sửa đổi Thông tư 28 bằng Thông tư 27 và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho ngành tài nguyên môi trường thực hiện công tác kiểm kê đất đai năm 2019.
Triển khai công tác kiểm kê đất đai năm 2019, ngay từ đầu năm 2020, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị, đối tượng phải kiểm kê thực hiện công tác kiểm kê; mời các chuyên gia của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) về hướng dẫn triển khai thực hiện. Qua buổi hướng dẫn và các tài liệu liên quan, các đối tượng phải kiểm kê đất đai đã nắm rõ và thực hiện tốt công tác kiểm kê này.
Mặc dù nhiều đối tượng kiểm kê còn manh mún, nhưng công tác kiểm kê đất đai trên địa bàn Vĩnh Phúc có thuận lợi là tổng diện tích không lớn với 123.600 ha đất. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc đã thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính theo hệ tọa độ VN-2000 đã được 7/9 huyện thị. Còn 2 huyện, thành phố có bản đồ theo hệ tọa độ HN-2012 đã được số hóa. Cho nên, quá trình rà soát, đối soát thửa đất, loại đất, mục đích sử dụng đất… đã được thực hiện trên không gian số nên rất thuận tiện cho quá trình triển khai.
Qúa trình triển khai, chúng tôi thực hiện Thông tư 27 của Bộ TN&MT và hướng dẫn của Bộ TN&MT, tiến độ theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra rất thuận lợi. Chúng tôi đã giao cho các huyện, thành phố, các đối tượng thực hiện. Các đối tượng đã mời các đơn vị tư vấn có năng lực, trình độ giúp cho các đơn vị này thực hiện công tác kiểm kê đất đai năm 2019 theo quy định.
Một thuận lợi nữa là với địa bàn tỉnh gần TP Hà Nội, cho nên có những vướng mắc phát sinh, Sở đều xin ý kiến, tham vấn thêm các chuyên gia của Bộ TN&MT để được hướng dẫn, đặc biệt là phần mềm TK online. Chúng tôi đã mời các chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ TN&MT hỗ trợ tháo gỡ, xử lý những vướng mắc ban đầu để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống không gian số.
Chính vì vậy, kết quả triển khai đến nay, Vĩnh Phúc là một trong 13 tỉnh đã thực hiện xong công tác kiểm kê đất đai năm 2019 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Qúa trình kiểm tra, đối soát cho số liệu đảm bảo chất lượng phục vụ đánh giá, quy hoạch chiến lược cho giai đoạn tới.
Phóng viên: Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ sử dụng đất năm 2019 còn gặp khó khăn nào không, thưa ông?
Ông Phan Tuệ Minh: Như tôi vừa nói, khó khăn trong quá trình triển khai kiểm kê đất đai trên địa bàn Vĩnh Phúc là ở việc xác định loại đất. Thực tiễn cho thấy, hồ sơ giấy tờ một thửa đất có loại đất đã chuyển sang đất phi nông nghiệp, nhưng thực tế có thể do bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc sử dụng đất chưa đúng mục đích; dẫn đến vướng mắc trong việc xác định mục đích sử dụng đất như thế nào trong hệ thống bảng biểu kiểm kê đất đai. Về vấn đề này, chúng tôi đã bàn bạc, trao đổi và có giải pháp thống nhất thực hiện cho các đơn vị.
Vướng mắc tiếp theo là về đối tượng sử dụng đất, do quá trình cập nhật, chỉnh lý biến động hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính về đất đai chưa được tốt, nên đối tượng sử dụng đất do thực hiện các quyền sử dụng đất có những biến động nhưng không cập nhật, chỉnh lý kịp thời. Dẫn đến việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu cho chính xác cũng khá mất thời gian.
Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc trao đổi với phóng viên |
Bên cạnh đó là vướng mắc về phần mềm TK online, lúc đầu chúng tôi triển khai theo hệ thống phần mềm chung do Bộ TN&MT quy định, nhưng thực hiện cũng còn vướng, không chạy được. Nhận thấy không thể tự giải quyết được, chúng tôi đã chủ động liên hệ với các chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ TN&MT để xử lý phần mềm này. Sau một thời gian ngắn (1 tuần) đã xử lý được và chạy hệ thống đảm bảo liên kết của các biểu đảm bảo tính thống nhất trong số liệu kiểm kê đất đai năm 2019.
Phóng viên: Hiện nay, trên cả nước còn rất nhiều tỉnh chưa hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Ông có chia sẻ gì bài học kinh nghiệm gì để các địa phương khác đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác này?
Ông Phan Tuệ Minh: Mỗi tỉnh có những điều kiện khác nhau, có cách làm khác nhau theo quy định chung của Bộ TN&MT. Với kinh nghiệm từ Vĩnh phúc, theo tôi, để hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, không phải đến kỳ kiểm kê chúng ta mới thực hiện mà phải liên tục cập nhật, chỉnh lý biến động để có những thông tin, dữ liệu, số liệu được cập nhật chính xác, kịp thời nhất. Nếu làm tốt được công tác này, kể cả làm thống kê hàng năm, hay kiểm kê đất đai trong kỳ tới cũng rất tiện lợi và chính xác, giảm được thời gian điều tra, khảo sát, đánh giá lại mục đích sử dụng cũng như đối tượng sử dụng đất.
Vĩnh Phúc có hai thuận lợi lớn là diện tích nhỏ, đã số hóa được toàn bộ bản đồ, đặc biệt là bản đồ VN2000 theo Thông tư 25 của Bộ TN&MT đến nay. Trên cơ sở dữ liệu số của bản đồ địa chính đó, triển khai công tác kiểm kê vừa đảm bảo độ chính xác, vừa đảm bảo tiến độ.
Phóng viên: Việc hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 sẽ phục vụ như thế nào cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thưa ông?
Ông Phan Tuệ Minh: Chúng ta đang ở giai đoạn cuối năm 2010, cuối các kỳ quy hoạch hoặc chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong ngành TN&MT, tới đây chúng ta đang làm quy hoạch tỉnh, phân bổ mục đích sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất; hoặc với huyện đang làm quy hoạch sử dụng đất của 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất cho 5 năm, hàng năm. Số liệu này phục vụ đắc lực cho việc định hướng, chiến lược, đưa ra các phương án sử dụng đất; đánh giá nguồn tài nguyên đất đai để phục vụ cho nhu cầu giai đoạn tới đảm bảo sự cân đối, khoa học, hợp lý và bền vững.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!