Kí ức về đường Hồ Chí Minh trên biển

28/04/2014 00:00

(TN&MT) - Huyền thoại về những con đường Hồ Chí Minh trên biển là một phần của lịch sử đấu trandân tộc của nhân dân.

(TN&MT) - Huyền thoại về những con đường Hồ Chí Minh trên biển là một phần của lịch sử đấu trandân tộc của nhân dân. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là ở huyện Đất Đỏ vẫn còn 3 nhân chứng lịch sử về huyền thoại này. Họ vẫn sống, vẫn cống hiến và hàng ngày kể cho thế hệ sau nghe những kí ức về đường Hồ Chí Minh trên biển…
   
  Đến  Bà Rịa – Vũng Tàu,  tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử tham gia con đường Hồ Chí Minh trên biển chúng tôi không khỏi cảm phục về những chiến công mà 6 thủy thủ trên chuyến tàu không số đem lại. Đồng chí Nguyễn Sơn, nguyên thuyền trưởng tàu không số khẳng định: “Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những con đường huyền thoại góp phần vào chiến thắng lịch sử của nhân dân ta…”. Theo đồng chí Nguyễn Sơn, từ khi chuyển chủ trương đấu tranh chính trị sang đồng khởi và đấu tranh vũ trang, chiến trường miền Nam khao khát có vũ khí để đánh địch. Bộ chính trị và quân uỷ Trung ương đã tổ chức nhiều tuyến vận tải trên biển để cung cấp vũ khí cho chiến trường Bà Rịa - Long Khánh. Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được mở vào hoàn cảnh lịch sử này.
   
Cựu chiến binh tàu Không số vui mừng gặp nhau tại bến Lộc An
   
  51 năm đã đi qua, kể từ ngày được Đảng giao nhiệm vụ đưa chuyến tàu không số đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra miền Bắc chở vũ khí chi viện cho chiến trường Bà Rịa - Long Khánh an toàn về đến cửa biển Lộc An, nhưng với ông Nguyễn Sơn, ông Lê Hà và ông Thôi Văn Nam - những nhân vật lịch sử sống nó như câu chuyện của ngày hôm qua. Đó là vào năm 1963, các đồng chí Nguyễn Sơn, Lê Hà, Thôi Văn Nam, Võ An Ninh, Trần Minh Hoàng, Nguyễn Văn Thanh sau gần 3 năm khổ nhọc, lặn lội, cuối cùng đưa được hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn dược an toàn cập bến Lộc An, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Bình Giã vang dội.
   
  Sau Đồng khởi Bến Tre, phong trào đấu tranh vũ trang cùng chiến tranh du kích ở miền Nam phát triển mạnh mẽ. Trung ương Đảng chỉ rõ nhiệm vụ: Ra sức xây dựng lực lượng trên 2 mặt, chính trị và quân sự. Vì thế, vấn đề trang bị vũ khí cho bộ đội, du kích ngày càng trở nên cấp bách. Trước đó, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy miền tổ chức thành công một số bến tiếp nhận vũ khí an toàn bằng đường biển ở một số tỉnh Nam Bộ như: Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau. Việc mở bến tiếp nhận vũ khí ở Bà Rịa, tuy có khó khăn hơn, song nếu thành công, thắng lợi sẽ vô cùng to lớn.
   
  Nhận nhiệm vụ của Tỉnh uỷ Bà Rịa là phải chuyển được vũ khí từ Bắc vào an toàn trong vòng 2 tháng. 6 thuỷ thủ trong 3 ngày đã tổ chức họp liên tục để bàn bạc phương án. Nghiên cứu lộ trình của những đồng chí đi trước, đó là các chuyến đi biển của đoàn tàu không số đều lợi dụng tình hình thời tiết vào mùa gió chướng, các đợt sóng to, gió lớn để xuất phát, việc làm này nhằm tránh sự phát hiện của địch. Vì phải ra biển khi thời tiết xấu nên hầu hết các chuyến đi của tàu không số đều hết sức gian khổ và hiểm nguy. Cũng như các chuyến tàu không số trước, lần này, 6 thủy thủ xuất phát từ bến Bình Châu bám sát hành trình tiến ra Bắc. Vì phương tiện là một chiếc thuyền cũ và nhỏ nên không ít lần thuyền gặp hiểm nguy vì sóng to, gió lớn và giông bão. Trên suốt chặng đường, đội thuỷ thủ phải cải trang thành người đánh cá và thật sự trở thành người đánh cá chuyên nghiệp khi cần lương thực phục vụ chuyến hải trình.
   
   
Thủy thủ đội thuyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
   
   
  Đồng chí Nguyễn Sơn kể: Thuyền xuất hành khoảng 10 ngày thì hết nhiên liệu, hết lương thực dự trữ và nước uống đúng lúc thuyền lênh đênh giữa biển khơi. Có những lúc anh em phải tự tiểu ra và uống lại để gắng gượng. Khi được tàu cá của tỉnh Quang Nam ứng cứu, sáu thuỷ thủ gần như kiệt sức. Khi được đưa vào bờ, tổ công tác bị vây bắt, vì trước đó có người trình báo với địch. Những ngày dài bị giam cầm, tất cả đều thống nhất khai mình là ngư dân đi biển bị lạc đường. Giam giữ nhiều ngày, sở mật thám không lấy được khẩu cung nên thả tự do cho sáu anh em. Không quay về Bà Rịa như cam kết với địch trong tù, tổ công tác tiếp tục thăm dò, nhắm hướng Bắc tiếp tục khởi hành. Lần này, thuyền của người lại vào tới đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong quá trình thẩm vấn, tổ công tác khai mình là lực lượng giải phóng miền Nam nhận nhiệm vụ ra miền Bắc xin vũ khí về chiến đấu. Chính quyền đảo Hải Nam sau khi thẩm vấn, tìm hiểu thông tin đã hướng dẫn tổ công tác đến gặp Trung ương.
   
  Đi đã khó, về lại khó hơn. Nhưng với kinh nghiệm từ lần xuất phát, dù gặp hết khó khăn này đến khó khăn khát, cuối cùng tổ công tác cũng đưa được 4 chuyến thuyền chở hơn 1.000 tấn vũ khí, đạn dược về an toàn đến bến Lộc An.
   
  Giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về lịch sử của chuyến tàu không số, đồng chí Nguyễn Sơn giải thích: “Tàu thực chất là có số, nhưng vì sợ đối phương phát hiện truy bắt nên mỗi khi cập cảng thì phải tháo số ra, từ đó mà mọi người quen gọi là tàu không số…”
   
  Những thuỷ thủ tàu không số của huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với lòng quả cảm, họ đã ghi thêm cho quê hương một trang sử hào hùng. Họ chính là một trong những người góp phần khai thông tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, cũng là con đường huyết mạch nối miền Đông Nam bộ với Trung ương Đảng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 30/4/1975 sau này.
   
L. Nga – H. Long
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kí ức về đường Hồ Chí Minh trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO