Khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

12/12/2018 11:51

(TN&MT) - Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là giải pháp mang tính căn bản để đảm bảo phát triển bền vững, để người nông dân không lâm vào tình cảnh “được mùa mất giá”, hướng đến mục tiêu đảm bảo đủ lương thực cho người dân và xa hơn là đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

image001
Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp ngành nông nghiệp hướng đến sự bền vững và chuyên nghiệp

“Liên kết bốn nhà” là cụm từ đã có từ vài thập kỷ nay. Liên kết giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp để tạo ra một chuỗi khép kín trong sản xuất đến tiêu thụ là điều cần thiết, hướng vào nhiều mục tiêu. Đó là nhà khoa học nghiên cứu để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, người nông dân đảm bảo việc trồng cấy đúng kỹ thuật, doanh nghiệp lo bao tiêu sản phẩm và Nhà nước giữ vai trò điều phối, hỗ trợ tạo đòn bẩy.

Thực tế, nhiều mô hình liên kết 4 nhà đã thành công, nhất là tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, mô hình chưa thực sự bền vững. Sự phân chia lợi ích trong chuỗi liên kết thiếu minh bạch, hình thành mối quan hệ kèo trên áp đặt kèo dưới.Có thể kể đến tình trạng doanh nghiệp ép giá nông dân khi được mùa, người nông dân “bội tín” khi được giá…

Mới đây, Chính phủ đã đưa chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018) kỳ vọng sẽ đưa việc hợp tác, liên kết này trở về đúng vị trí, đem lại lợi ích bền vững cho các bên.

Theo đó, bên chủ trì liên kết sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.

Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, các bên tham gia liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ để xây dựng mô hình khuyến nông; Đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã; Ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO