Khu vực Hà Nội sẽ được cảnh báo trước 1 giờ khi mưa dông xuất hiện

25/06/2015 00:00

(TN&MT) - Thời tiết đang ngày càng trở nên cực đoan và diễn biến khó lường, đòi hỏi Đài Khí tượng thủy văn các tỉnh, các khu vực phải đưa ra cảnh báo cực ngắn về các hiện tượng dông lốc nguy hiểm tới cộng đồng. Được biết, hoạt động này đã được thực hiện thường xuyên song trên thực tế đã đáp ứng nhu cầu thông tin cảnh báo đến đâu?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Đức Cường (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

PV: Được biết, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã thực hiện công tác dự báo, cảnh báo cực ngắn các hiện tượng khí tượng từ năm 2010, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của công tác này?

Ông Hoàng Đức Cường: Dự báo thời tiết cực ngắn thường được thực hiện nhằm phục vụ hoạt động của các sự kiện quan trọng sắp diễn ra trong ngày hoặc cảnh báo thời tiết nguy hiểm ở quy mô nhỏ, thời gian xuất hiện ngắn. Hiện nay, ở nước ta chưa có điều kiện kỹ thuật, công nghệ để thực hiện các bản tin dự báo hiện tượng dông sét, tố lốc, vòi rồng, mưa đá… mà mới chỉ có thể cảnh báo về khả năng xuất hiện các hiện tượng này với đánh giá định tính về cường độ như mạnh, yếu. Hơn nữa, các cảnh báo này cũng chỉ có thể thực hiện được đối với các khu vực có dữ liệu quan trắc ra đa thời tiết kết hợp với các loại số liệu khác như quan trắc bằng máy đo tự động, ảnh mây vệ tinh, số liệu định vị sét… Hiện nay, cảnh báo về khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên các khu vực của Việt Nam được lồng ghép vào các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, thường được thực hiện 2 lần/ngày vào 4h30 và 15h30.

Ngoài ra, công tác theo dõi, quan sát tăng cường, phân tích ảnh mây vệ tinh, ra đa, định vị sét và phát tin cảnh báo mưa dông ở quy mô nhỏ cỡ quận, huyện (nếu có) được thực hiện liên tục trong ngày và trong suốt mùa mưa bão cũng như thời kỳ chuyển tiếp. Theo đánh giá sơ bộ, các bản tin cảnh báo mưa dông đang được thực hiện tại Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh tương đối phù hợp với thực tế và thường được thực hiện trước khi hiện tượng xuất hiện từ 1 - 2 giờ. Tuy nhiên, công tác xử lý thông tin và truyền tin cảnh báo đến cộng đồng còn nhiều hạn chế và cần được khắc phục trong thời gian tới theo hướng nhanh hơn, đa dạng hơn.

PV: Ông có thể cho biết, thời gian tới, có khả năng xuất hiện những trận dông lốc giống như chiều 13/6 hay không? Và khi có hiện tượng mưa dông nguy hiểm như vậy xuất hiện thì thời gian dự báo, cảnh báo của Trung tâm sớm được bao nhiêu lâu?

Ông Hoàng Đức Cường: Ở Đồng bằng Bắc Bộ, mưa dông kèm gió giật mạnh thường xảy ra vào chiều tối trong các tháng 5, 6, 7 với cao điểm là tháng 6. Trận mưa dông chiều tối ngày 13/6 là một trận mưa dông kèm lốc xoáy mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Hà Nội với cường độ gió giật mạnh quan trắc được tại Láng đến 20m/s, Hà Đông đến 21m/s (cấp 8 - 9) và nhiều khả năng ở vùng lốc xoáy đi qua có gió giật mạnh hơn. Khó có thể đánh giá khả năng lặp lại hiện tượng này ngay tại Hà Nội, tuy nhiên với nhận định thời tiết khu vực Đồng bằng Bắc Bộ trong thời gian tới của mùa hè năm nay sẽ có những đợt nắng nóng ngắn ngày đan xen những ngày mát mẻ do mưa thì các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơn dông mạnh như vừa qua là không nhiều. Cần lưu ý là nhận định nêu trên chỉ mới đề cập đến loại dông nhiệt phát triển vào chiều tối hàng ngày và chưa đề cập đến loại lốc xoáy xuất hiện trong bão hoặc do các yếu tố động lực khác gây nên.

Trung tâm sẽ cố gắng cảnh báo khoảng từ 1-2 giờ trước khi mưa dông xuất hiện ở khu vực Hà Nội và sẽ hỗ trợ thông tin để các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh cảnh báo mưa dông xuất hiện ở các khu vực khác trên phạm vi cả nước. Cần lưu ý đây là các bản tin cảnh báo mưa dông và trong điều kiện hiện nay, chưa thể cảnh báo, dự báo cụ thể về tố, lốc hay cấp độ gió giật mạnh trong cơn dông.

PV: Trung tâm có đề xuất phương án gì để các bản tin dự báo nói chung và các bản tin dự báo các hiện tượng cực ngắn tới được với người dân một cách nhanh nhất?

Ông Hoàng Đức Cường: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan phòng chống thiên tai và các cơ quan truyền thông để truyền tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm đến các đối tượng sử dụng khác nhau, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai như đang tham gia giao thông hoặc ở các khu vực nguy hiểm. Bên cạnh các hình thức truyền tin truyền thống như fax, email, cập nhật web… các hình thức khác với khả năng truyền tin nhanh hơn như gửi tin nhắn cảnh báo qua SMS, ứng dụng các phần mềm liên lạc trên các điện thoại thông minh (Zalo, Viber...), các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter…) và phối hợp trực tuyến với VOV, VTV… để ra các bản tin nhanh tức thời sẽ được nghiên cứu triển khai sớm nhằm đưa được thông tin cảnh báo cảnh báo nhanh nhất và đến được nhiều người nhất có thể. Tuy nhiên, để thực hiện được các ý tưởng nêu trên cần có sự hỗ trợ, phối hợp của nhiều đơn vị khác nhau như phòng chống thiên tai, truyền thông, Vinaphone, Viettel…

Thông tin cảnh báo cũng cần được cộng đồng chia sẻ cho bạn bè và người thân để chủ động phòng tránh thông qua các phương tiện liên lạc như điện thoại, nhắn tin, thông báo chung trên các trang mạng xã hội...

Ngoài ra, mỗi người dân cần có kỹ năng cần thiết để phòng tránh những thiệt hại đáng tiếc khi có dông, lốc… Người dân cần chú ý những dấu hiệu khi chuẩn bị có dông lốc, đó là những đám mây giông màu đen phát triển rất nhanh, trời tối rất nhanh, gió mạnh lên giật theo từng cơn cảm thấy mát rất nhanh. Khi có dấu hiệu như vậy thì mọi người không nên ra đường để tránh rủi ro. Nếu đang ở ngoài trời thì cần tìm chỗ trú ẩn an toàn, tránh xa khu vực nhiều cây cối, cột điện… tránh bị cây đổ đè và sét đánh.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hạnh - Thu Hà (Thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Hà Nội sẽ được cảnh báo trước 1 giờ khi mưa dông xuất hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO