Không thỏa mãn, chủ quan, lơ là trước những tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô

Khương Trung | 28/10/2022 17:49

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, chiều 28/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự Kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về kết quả nổi bật của nền kinh tế trong năm 2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội…

281020220433-z3836391262058_e0a4fdf9b22e3137d020c0e0e8f5fd80.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2022 là năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được, đặc biệt, đó là thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, rất khó lường và vượt xa các dự báo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại các kết quả nổi bật của nền kinh tế trong năm 2022, phân tích nguyên nhân của thành công này. Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, chính sách tài khóa, tiền tệ, quản lý điều hành xăng dầu, thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia… Cùng với giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngắn hạn là những vấn đề trong trung, dài hạn như tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn, phức tạp hơn, tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan lơ là, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…

281020220325-z3836200979447_7ec1d0f56f5b33258912974f3f68efee.jpg
Các Đại biểu tham dự cuộc họp chiều ngày 28/10

Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu kịp thời, đề xuất các giải pháp trong cái thời gian tới.

Bộ trưởng cũng giải trình thêm về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, khẳng định đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế và được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tổ chức 3 hội nghị trực tuyến, 6 tổ công tác. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn, trong đó, 76,5% vốn ngân sách nhà nước là do địa phương quản lý và tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị, nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng kiến nghị nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai theo hướng cho thực hiện một số hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi chúng ta đã có quy hoạch và có chủ trương đầu tư, như vậy sẽ giảm được 6 đến 8 tháng về tiến độ triển khai.

Về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng khẳng định đây là chương trình rất lớn và lần đầu tiên thực hiện quy mô lớn đòi hỏi phải tiết kiệm, hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí và trục lợi vì vậy phải ban hành nhiều chính sách để quản lý. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy nhanh hơn triển khai chương trình này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thỏa mãn, chủ quan, lơ là trước những tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO