Không thể xem nhẹ an toàn hồ đập

28/07/2017 00:00

Đang là thời điểm của mùa mưa bão, cả nước có trên 6 ngàn hồ chứa thủy lợi với dung tích hơn 13 tỷ m3 nước. Trong đó, trên 1 ngàn hồ đập xuống cấp, chủ yếu ở khu vực miền Trung. Nguy hiểm hơn, đang có 50 hồ chứa có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Nơm nớp lo đập vỡ

Người dân Thạch Hãn, Quảng Trị đang lo lắng cho “số phận” công trình đập đầu mối cao su Nam Thạch Hãn. Xảy ra sự cố đã hơn 9 tháng, nhưng công trình này vẫn chưa được tu bổ, nếu vỡ thì hàng chục ngàn ha lúa, môi trường thủy hải sản và 86 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Theo người dân địa phương, toàn bộ thân đập hiện đã bị thấm nước.

Tiếp đến, tỉnh Tuyên Quang có khoảng 480 hồ đập. Tất cả được giao cho UBND các xã vận hành. Trong khi đó, theo Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang, các công trình thủy lợi, hồ đập của Tuyên Quang được xây dựng từ lâu, ít nhất là 20 năm trở lên. Nhiều công trình xây đắp thủ công, chưa kè bê tông, chỉ là đập bằng đất nên tình trạng xuống cấp thường xuyên xảy ra. Thiếu trình độ quản lý, thiếu kinh phí tu bổ, sửa chữa khiến nhiều hồ đập có nguy cơ tràn vỡ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão năm nay.

Những vết xói mòn đã xuất hiện khoảng 3 năm nay tại thân đập Hoàng Khai. Đập đất này có chiều dài khoảng 150m, được xây dựng từ năm 1962. Trong vòng 45 năm qua, con đập này chưa một lần được nâng cấp, sửa chữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi đó, đập Nà Vàng, sau 7 năm vận hành, 1/3 thân đập đã bị thấm. Với sức chứa gần 500.000m3, mỗi khi mùa mưa bão đến, đập Nà Vàng lại khiến hàng trăm hộ dân ở đây phấp phỏm lo âu.

Tại đập Nà Vàng, tính mạng của hàng nghìn hộ dân dưới hạ lưu đang được giao phó vào tay một cán bộ quản lý nữ, mới chỉ tốt nghiệp trung cấp xây dựng. Dù rất cố gắng nhưng chị không thể tự mình xoay sở để mở khóa nước của van điều tiết.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có trên 450 hồ đập lớn nhỏ, hiện mực nước tại các hồ đập đã đạt 50 - 70% dung tích thiết kế. Đặc biệt, tại các hồ chứa nước lớn như: Sông Rác, Kẻ Gỗ... mực nước đã tăng so với năm 2016 trên 200%. Với lượng mưa từ 150 - 300mm như hiện nay, mực nước tại các hồ sẽ còn tăng trong thời gian tới nên nguy cơ mất an toàn hồ đập rất lớn.

Coi trọng dự báo thủy văn

Theo quy định về kiểm định an toàn hồ chứa, sau 1 năm phải kiểm tra một lần và sau 3 năm phải tiến hành kiểm định lại để tiến hành tu bổ nâng cấp.

Thế nhưng, điệp khúc thiếu kinh phí vẫn luôn là nguyên nhân chính khiến hàng trăm công trình hồ đập xuống cấp hư hỏng nặng mà không thể khắc phục được.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang rà soát lại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Đề nghị các địa phương đánh giá lại các hồ chứa trên địa bàn, sắp xếp thứ tự ưu tiên để triển khai sửa chữa. Mặc dù Bộ này đã có bộ tiêu chí TCVN về đánh giá các hồ đập trước và sau mưa lũ. Tuy nhiên, trên thực tế, thời tiết diễn biến bất thường, trong khi hệ thống dự báo thủy văn còn chưa đáp ứng được. Muốn phòng, chống lũ nhất thiết phải đo dòng chảy. 

Theo các chuyên gia, ngành Thủy lợi phải dùng phương pháp phòng ngừa là chính. Đó là, trước mùa lũ, không được tích nước vội. Những công trình nào thực sự nguy cấp, đề nghị, phải cấp kinh phí để sửa đập, tràn, cống.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, do địa hình của  Việt Nam bị chia cắt nhiều nên cần lập thêm các trạm đo dòng chảy, trạm đo mưa. Cần phải nâng cấp hệ thống dự báo thủy văn, thì mới giải quyết được tận gốc của việc an toàn hồ chứa.

An toàn hồ đập ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước, an sinh xã hội, vì vậy không thể xem nhẹ vấn đề này.

Theo Báo Thanh tra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể xem nhẹ an toàn hồ đập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO