Không thể tách rời mối quan hệ nước – năng lượng – lương thực

21/09/2017 00:00

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu đang khiến mối quan hệ giữa nước – năng lượng – lương thực được tích hợp vào tất cả các kế hoạch phát triển.  

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu đang khiến mối quan hệ giữa nước – năng lượng – lương thực được tích hợp vào tất cả các kế hoạch phát triển.
 
Bạn cần nước và năng lượng để tạo ra lương thực. Bạn cần nước để tạo ra năng lượng, ngay cả trong một trang trại năng lượng mặt trời. Bạn cần năng lượng để bơm nước. Mối tương quan giữa nước - năng lượng – lương thực đã quá rõ ràng, vậy tại sao lại thường bị bỏ qua? Câu trả lời phụ thuộc vào người trả lời.
 
Các nhà hoạch định chính sách truyền thống cho rằng mối quan hệ này không thể bỏ qua - chỉ cần nhìn vào các đập đa năng. Các đập chứa nước và chuyển nước tưới, xả nước để hạn chế hạn hán, điều tiết dòng chảy nước để giảm nhẹ ngập lụt và tạo ra điện. Những nhà hoạch định chính sách này đặt câu hỏi: “Điều gì có thể là một ví dụ để mối quan hệ này được xem xét?”.
 
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và các nhà thực hành cho rằng thực tế lại khác. Theo họ, hơn một nửa kênh tưới tiêu ở Nam Á sử dụng nước ngầm, đồng thời trầm tích và thiếu nước trong hồ chứa thường xuyên khiến các dự án thủy điện đóng cửa, mặc dù là tạm thời. Họ cho biết nhu cầu năng lượng và nước của nông nghiệp đã được mở rộng bởi “cuộc cách mạng xanh” và việc kiểm soát lũ lụt với bờ kè đã lỗi thời vì tỷ lệ chi phí - lợi ích sẽ bị âm khi xảy ra lũ lớn.
 
Các tổ chức xã hội dân sự (CSO) liên kết các học giả và chuyên gia trong việc phản ánh cách tiếp cận này đối với kế hoạch phát triển, trong đó có việc bỏ qua bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Có quá nhiều tổ chức nằm trong giới hạn mà không cần kiểm tra tất cả các tác động của công việc và không có sự tư vấn đầy đủ với các ngành khác trong và giữa các quốc gia khác nhau.
 
Việc tích hợp phương pháp tiếp cận mối tương quan này để lập kế hoạch nói thì dễ nhưng làm thì khó hơn. Tuy nhiên, trong thời kỳ biến đổi khí hậu đang làm cho hạn hán, lũ lụt và bão thường xuyên và nghiêm trọng hơn, nơi các sông băng tan chảy nhanh hơn và mực nước biển đang dâng lên, cần phải tích hợp để ngăn chặn sự gián đoạn nghiêm trọng hơn đối với nguồn cung cấp nước, lương thực và năng lượng.
 
Tuy nhiên, bằng cách nào? Đây là những gì nhóm các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia phát triển và các CSO sẽ thảo luận tại Kathmandu trong hai ngày 20 và 21/9. Diễn đàn do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tổ chức thông qua Chương trình Hỗ trợ Khu vực Nam Á sẽ tập trung vào ba lưu vực sông xuyên biên giới chủ yếu ở Nam Á là Indus, Ganga và Brahmaputra.
 
Liệu có bất kỳ tác động nào gây ra ngay lập tức làm cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước Nam Á suy nghĩ nhiều hơn về mối liên kết giữa nước - năng lượng – lương thực? Sagar Prasai, người đứng đầu Quỹ Châu Á ở Ấn Độ, cho rằng có hai tác động.
 
Tác động đầu tiên và ngay lập tức là hiện tượng song song của lũ lụt và hạn hán. Trong khi miền nam Ấn Độ phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal vào mùa mưa đã đủ nghiêm trọng để nhận được sự quan tâm của toàn cầu. Prasai nói với thethirdpole.net rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ buộc phải đưa mối quan hệ giữa nước – năng lượng – thực phẩm vào thực tiễn thực tế. Điều này tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia giải thích mối quan hệ với các nhà hoạch định chính sách và đề xuất những cách mà suy nghĩ về mối quan hệ nên tạo ra cơ sở lập kế hoạch.
 
Tác động thứ hai, theo Prasai, là thủy điện ở dãy Himalaya. Chủ đề này đã được thảo luận qua nhiều năm nhưng không có bước tiến triển đáng kể trong kế hoạch thủy điện của chính phủ các nước chia sẻ ba lưu vực. Tuy nhiên, gần đây, cơ sở của các dự án này đã thay đổi do sự kết hợp của các yếu tố: không chắc chắn về dòng chảy của nước do biến đổi khí hậu, các hiệp định hạn chế giữa các chính phủ về những dự án có ý nghĩa xuyên biên giới, sự phản đối của người dân có thể bị ảnh hưởng bởi dự án và quan trọng nhất là nhu cầu sử dụng năng lượng ở Ấn Độ.
 
Đường dây truyền tải từ Syanja đến Butwal từ nhà máy thủy điện Kali Gandaki A ở Nepal. Ảnh: Ngân hàng Phát triển Châu Á
Đường dây truyền tải từ Syanja đến Butwal từ nhà máy thủy điện Kali Gandaki A ở Nepal. Ảnh: Ngân hàng Phát triển Châu Á
 
Cùng với sự phản đối của địa phương gia tăng, các nhà phát triển đã bỏ giữa chừng các dự án thủy điện. Không có khả năng đường cầu năng lượng tăng như dự kiến, đồng nghĩa rằng các dự án thủy điện hiện tại chỉ chạy tuabin trong 3-4 giờ mỗi ngày khi có thể bán điện thu lợi nhuận.
 
Các nhà quy hoạch buộc phải suy nghĩ lại kế hoạch năng lượng, nhưng đó là thời điểm thích hợp để tích hợp mối tương quan nước – năng lượng – lương thực vào quá trình lập kế hoạch. Các câu hỏi bây giờ là: Liệu sự thay đổi này có làm giảm nhu cầu hoặc giảm giá năng lượng, cũng như liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại? Đây có phải chỉ là một sai lầm ngắn hạn?
 
Bà Imtiaz Ahmed, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Dhaka và Purnamita Dasgupta thuộc Viện Tăng trưởng kinh tế tại Đại học Delhi đều cho rằng việc đưa khái niệm mối quan hệ giữa nước – năng lượng – lương thực vào kế hoạch chính sách sẽ là một chặng đường dài. 
 
Khi được hỏi những gì họ cho là động lực thúc đẩy mối quan hệ này đi đầu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cả hai đều đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu nhưng cũng không mấy lạc quan. Theo Dasgupta, bước đầu tiên là để các học giả ở các nước Nam Á cùng biết đến.
 
Ahmed đã giới thiệu một khóa học về ngoại giao nước cho sinh viên của bà và theo bà, đây có thể là điểm xuất phát cho một chương trình giáo dục rộng hơn mà cuối cùng sẽ kết hợp mối liên kết nước - năng lượng - thực phẩm vào quá trình lập kế hoạch.
 
Là một người đàn ông thực tế chứ không phải là một nhà lý thuyết, Mohan Seneviratne thuộc Tập đoàn Tài chính Quốc tế đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách ở Nam Á tích hợp mối quan hệ nước – năng lượng – lương thực vào kế hoạch. Để làm điều này, ông đã chèn thêm một chữ “C” để tạo ra mối quan hệ nước - năng lượng – cacbon – lương thực. Trong kỷ nguyên mà chu kỳ cacbon đang được nghiên cứu kỹ càng như chu trình nước, đây có thể là một cách để làm cho các nhà hoạch định chính sách hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ.
 
Seneviratne chỉ ra rằng cùng với sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và các áp lực môi trường khác đang làm lu mờ các kết nối trong mối quan hệ. Mức độ sử dụng năng lượng cho cấp nước đang gia tăng, cũng như ô nhiễm nước và mức độ sử dụng nước để phát điện. Tương tự, tốc độ sử dụng nước cho nông nghiệp và tốc độ sử dụng năng lượng cho sản xuất lương thực ngày càng tăng. 
 
Sau đó, có những quan ngại về mối liên hệ giữa lương thực và đất đai, từ việc sử dụng đất cho nhiên liệu sinh học đến việc đốt chất thải nông nghiệp do tất cả các hậu quả gây ra. Không có cách nào loại bỏ mối liên kết, hoặc phải thừa nhận thực tế là chu kỳ cacbon có liên quan. 
 
Đồng quan điểm với Seneviratne, bà Simi Kamal của Tổ chức Hisaar cho rằng vấn đề dân số gia tăng phải được thêm vào mối quan hệ nước – năng lượng – lương thực để có ý nghĩa ở Nam Á. Khát vọng của tầng lớp trung lưu ở Nam Á ngày càng gia tăng đòi hỏi nhu cầu năng lượng và lương thực cao hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sẵn có và môi trường. Bà Simi Kamal đề nghị quản lý nhu cầu về năng lượng và lương thực và cân bằng phương trình giữa nước cho lương thực và nước cho năng lượng.
 
Mai Đan
Tổng hợp từ thethirdpole.net
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể tách rời mối quan hệ nước – năng lượng – lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO