Không thể quýt làm… ngân sách chịu

15/08/2019 15:45

(TN&MT) - Vấn đề thời sự trong những ngày qua là chuyện mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều vùng, đặc biệt ở miền Trung và Nam bộ. Nắng mưa là chuyện của trời, nhưng việc ngập nặng, kéo dài ở Phú Quốc và Đà Lạt thì lại có dấu hiệu không bình thường nếu xét về yếu tố địa hình.

da lat
Phú Quốc trải qua trận ngập lịch sử trong vòng 100 năm qua. Ảnh: VietNamNet

Một hòn đảo nằm giữa bốn bề sóng nước, ấy vậy mà nước mưa lại không thể thoát ra biển, gây ngập lụt nhiều ngày. Còn nơi kia là thành phố cao nguyên mà ai cũng nghĩ nước từ trên cao sẽ nhanh chóng thoát xuống dưới, ấy vậy mà cũng ngập nặng.

Quy luật của tự nhiên đã bị phá vỡ, do đâu?

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố mưa lớn thì nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt ở Phú Quốc là do các dự án xây dựng phát triển ồ ạt đã lấp sông suối, chặn dòng chảy tự nhiên khiến nước dồn ứ dâng cao gây ngập lụt. Đặc biệt, các công trình mới xây dựng quây kín bờ biển biến vùng đất phía trong thành thung lũng, nước mưa không thể nào thoát đi được.

Còn ở Đà Lạt, các chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính và xây dựng nhà cửa mật độ cao. Những công trình này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng. Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Đà Lạt chỉ rõ, về lý thuyết, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0... Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột... Mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt…

Nước mưa không thoát kịp và đặc biệt là không còn chỗ để thấm vào lòng đất không những gây lũ lụt nặng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng nước ngầm trong lòng đất.

Môi trường tự nhiên đã bị phá vỡ

Như vậy có thể nói, ngoài yếu tố thiên tai thì nguyên nhân chính dẫn đến ngập lụt ở Phú Quốc, Đà Lạt vừa qua nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung chính là việc tàn phá môi trường, phát triển quá nóng. Suy cho cùng, đó là sự đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Thực ra, điều này đã được cảnh báo, đã được dẫn chứng, đã được nhắc nhở và đã có rất nhiều bài học nhãn tiền, nhưng không những nó không được khắc phục mà thậm chí còn ngày càng tệ hại hơn.

Trong bài viết này, tôi không muốn nhắc lại các cách khắc phục, những điều mà các nhà quản lý, các chuyên gia đã… biết rồi, khổ lắm, nói mãi…, mà chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ. Số là trong chuyến đi châu Âu vừa qua, một anh bạn (vong niên, lớn tuổi hơn), vốn là một nhà khoa học định cư ở Ba Lan, khi nghe chúng tôi nói về chuyện trái cây sạch ở châu Âu nói chung và Ba lan nói riêng, đã kể một câu chuyện liên quan đến môi trường.

Chuyện rằng: Sau khi mua một mảnh đất ở ngoại ô làm nhà vườn, anh tiến hành đổ bê tông con đường từ cổng vào nhà và các lối đi trong vườn. Ngay lập tức, anh nhận được thông báo về số tiền phí phải nộp cho diện tích mặt đường này. Lý do: Diện tích bê tông mặt đường này đã ngăn cản nước mưa thấm vào đất, nên chính quyền phải tăng chi phí để xử lý tiêu thoát cho lượng nước không thấm được vào đất ấy. Và tiền phí thoát nước này không phải chỉ nộp một lần, mà là nộp thường xuyên, vì chính quyền vẫn thường xuyên phải xử lý lượng nước cần tiêu thoát. Thế là ngay sau lần nộp đầu tiên, anh đã dỡ bỏ con đường bê tông, thay vào đó là trải sỏi trên lối đi để vừa phù hợp với không gian để nghỉ và làm vườn, vừa không phải nộp phí. Và quan trọng hơn là để bảo vệ môi trường.

Đó là một sự sòng phẳng. Nếu anh tác động đến môi trường gây hậu quả cho xã hội thì anh phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả đó.

Tôi cứ nghĩ, chưa cần phải có những ý tưởng lớn lao, chỉ cần bắt đầu bằng cách quản lý cụ thể và rõ ràng như thế đã có thể hình dung ra hiệu quả của nó lớn đến thế nào. Nếu làm được như thế, sẽ tăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp. Kết quả là sẽ hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, ngân sách nhà nước không phải bao cấp cho những hành vi hủy hoại môi trường của cá nhân và doanh nghiệp, không phải chi ra để giải quyết hậu quả do cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp gây ra. Và suy cho cùng, đó cũng là lẽ công bằng, bởi tiền ngân sách cũng là do tiền dân đóng góp chứ có phải từ trên trời rơi xuống đâu.

Thiết nghĩ, trong khi một dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, nói dễ hiểu là quyết định thu phí đối với những doanh nghiệp phát thải khí các bon lớn để trả cho việc trồng rừng khắc phục hậu quả trên, cũng cần tính đến việc thu phí xử lý thoát nước như đã trình bày ở trên, cũng như từng bước tính đến các loại phí môi trường khác.

Không thể để tiếp diễn mãi cảnh vô lý, quýt làm… ngân sách chịu; cá nhân, doanh nghiệp thu lợi còn ngân sách nhà nước phải è cổ chạy theo để giải quyết hậu quả từ việc làm của họ.

Nói cho ngắn gọn, nhà nước không thể bao cấp mãi về môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể quýt làm… ngân sách chịu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO