Không phát triển du lịch bằng mọi giá đe dọa hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà

19/07/2016 00:00

(TN&MT) - Đó là ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức thành ủy Đà Nẵng đưa ra tại Hội thảo Bảo tồn và Phát triển bền vững hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà do Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt) tổ chức vào chiều 19/7.

Bán đảo Sơn Trà – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu
Bán đảo Sơn Trà – một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu

Du lịch đe dọa suy giảm hệ sinh thái

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là một quần thể rừng và biển nằm bên cạnh thành phố, được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia năm 1980. Theo WWF, nơi đây được coi là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu với 985 loài thực vật bậc cao, 287 loài động vật. Đặc biệt, giá trị bảo tồn nguồn gene có 22 loài thực vật và 15 loài động vật quý hiếm, trong đó quần thể Voọc chà vá chân nâu – loài cực kỳ nguy cấp, quý hiếm được coi là biểu tượng bảo tồn của bán đảo Sơn Trà.

Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển ngày một mạnh mẽ của thành phố cùng với việc mở rộng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, phát triển các khu du lịch, sự xâm lấn của các loài sinh vật ngoại lai… đã làm thay đổi cảnh quan sinh thái, phá vỡ nơi cư trú của các loài sinh vật. Một số hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo Green Việt, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang ngày càng bị thu hẹp. Nếu như năm 1977, Sơn Trà là một trong 10 khu rừng cấm, diện tích 4.000 hecta, thì đến năm 2014, theo QĐ 1976/QĐ-TTg  Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ còn 2.591 hecta. Hiện nay tại bán đảo Sơn Trà có 17 dự án đầu tư với tổng diện tích 1.029 hecta. Việc phát triển du lịch trong những năm qua đã khai thác và sử dụng đất rừng, nhất là các vùng đệm làm suy giảm nguồn thức ăn và môi trường sống của các loài động thực vật. Việc can thiệp ngày càng sâu vào đời sống hoang dã của các loài động vật đã gây nên sự sợ hãi, phá vỡ chu kỳ sinh học vốn có, làm thay đổi tập quán sinh hoạt và hậu quả là làm suy giảm số lượng cá thể và loài. Bên cạnh đó, du khách tham quan tự do, ý thức chưa cao, áp lực săn bắt vẫn tồn tại (năm 2015 có 3 cá thể voọc ở Sơn Trà bị bắn chết). 6 tháng đầu năm 2016, gần 10 hecta rừng bị chặt phá đã khiến đời sống của 16 đàn voọc (160 cá thể) sinh sống bị tác động mạnh.

Thạc sĩ Phan Thị Hiền- Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng, theo dự báo hàng năm lượng du khách đến với bán đảo Sơn Trà sẽ tăng lên, đến năm 2020 lượng khách ước đạt 8,9 triệu người/ mỗi năm, tương ứng gây ô nhiễm và ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các giống loài sinh vật và hệ sinh thái trên cạn, dưới nước.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan hiệu quả chưa cao, còn chồng chéo và hạn chế về chức năng, quyền hạn, thể chế, dụng cụ hỗ trợ cũng gây khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo.

Khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học

Trong thời gian qua, thành phố Đã Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thực tế nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt đối với loài Voọc chà vá chân nâu. Đồng thời, xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa ban quản lý rừng với các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước. Để nâng tầm công tác bảo vệ đa dạng sinh học, theo Thạc sĩ Trần Hữu Vỹ- Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, thành phố cần sớm thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế đồng quản lý rừng của bán đảo Sơn Trà với các bên liên quan…

Voọc chà vá chân nâu – biểu tượng đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà
Voọc chà vá chân nâu – biểu tượng đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức thành ủy Đà Nẵng cho rằng, chính quyền thành phố cần sớm công nhận Voọc chà vá chân nâu thành biểu tượng đa dạng sinh học của Đà Nẵng; đồng thời, không phát triển tiếp các dự án du lịch liên quan đến bán đảo Sơn Trà để bảo vệ hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng nêu ý kiến, bên cạnh việc sử dụng các cơ quan công quyền như Chi cục kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường trong công tác quản lý bán đảo Sơn Trà, cần có sự giám sát, tham gia của các cơ quan phản biện như Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật, tổ chức xã hội dân sự…

Cần phải xem đa dạng sinh học là cơ sở của sự sống còn, thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên để có những định hướng đúng đắn về quản lý đa dạng sinh học như kiểm soát, hạn chế tốc độ suy giảm đa dạng sinh học và bảo tồn, phát triển các loài sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng…

Đó cũng là điều mà cộng đồng và mọi người dân Đà Nẵng có thể làm để chung tay bảo tồn tính đa dạng sinh học, giữ nguyên vẹn các sinh cảnh và môi trường sống của các loài sinh vật tại bán đảo Sơn Trà, góp phần đưa Đà Nẵng phát triển đúng định hướng là trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phát triển du lịch bằng mọi giá đe dọa hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO