Không đóng bảo hiểm xã hội có thể bị kiện

09/09/2017 00:00

(TN&MT) – Tôi vào làm tại công ty tư nhân liên kết nước ngoài từ giữa năm 2016. Sau khi thử việc không lương 6 tháng, tôi được ký hợp đồng lao động chính thức với thời hạn 1 năm. Mặc dù đã ký hợp đồng lao động được 7 tháng nhưng tôi vẫn chưa được công ty đóng bảo hiểm. Xin hỏi, công ty làm như vậy có vi phạm pháp luật hay không? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nếu đã ký hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên với người lao động, thì có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc cho người lao động. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về BHXH. Cụ thể là: Trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.
Khi đó, đơn vị sử dụng lao động sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 122, Luật BHXH 2014 như sau: Ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp, đơn vị sử dụng lao động còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26, Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Chậm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định; đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Các đơn vị này còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.
Khi bị vi phạm quyền lợi về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi đến giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn, hoặc có thể khiếu nại tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, nơi đơn vị đặt trụ sở. Trong trường hợp các cơ quan này không giải quyết thỏa đáng, người lao động có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án cấp huyện giải quyết.

Báo TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đóng bảo hiểm xã hội có thể bị kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO