Khởi tố, bắt giam 3 nghi can vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh

22/03/2016 00:00

  (TN&MT) - Sau vụ sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), làm tuyến đường sắt Bắc – Nam gián đoạn, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 3 nghi can...

 

(TN&MT) - Sau vụ sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), làm tuyến đường sắt Bắc – Nam gián đoạn, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 3 nghi can đã điều khiển sà lan gây sập cầu. Đồng thời, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đã nỗ lực để hành khách đi tàu lửa được thông suốt.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường

 

Lời khai của các nghi can

Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh bắt khẩn cấp các nghi can Trần Văn Giang (36 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) khi lẩn trốn tại tỉnh Sóc Trăng và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) lẩn trốn tại tỉnh Bạc Liêu và Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng). Hai nghi can Giang và Lẹ là người điều khiển chiếc sà lan đẩy tông sập cầu Ghềnh, còn nghi can Thượng là tài công lái chính đầu kéo cũng là chủ tàu đẩy chiếc sà lan. Cơ quan chức năng cũng xác định chủ chiếc sà lan trên là bà Nguyễn Thu Hồng (ngụ TPHCM).

Sau khi bị bắt giữ, Phan Thế Thượng (chủ tàu đẩy và cũng là tài công chính) khai: Trước khi xảy ra tai nạn, ông Thượng đã điều khiển tàu đẩy mang số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở theo khoảng 800 tấn cát đi từ tỉnh Tiền Giang đến TP Biên Hòa. Khi này trên tàu đẩy còn có hai phụ là Giang và Lẹ, hai người này không có giấy phép lái tàu. Khi đi trên sông Đồng Nai, đến phà Cát Lái (TPHCM) vì có việc riêng nên ông Thượng lên bờ, giao cho Giang và Lẹ tiếp tục điều khiển.

Đến 11 giờ 30 phút trưa ngày 20/3, khi đến địa phận TP Biên Hòa, do không có kinh nghiệm nên khi đến chân cầu Ghềnh, gặp dòng nước xoáy không điều khiển được sà lan để chui qua gầm cầu nên đã tông vào chân cầu phía mép bên trái của sà lan. Sau vụ tai nạn, sà lan lật úp, tàu đẩy bị chìm nên Giang và Lẹ bơi nhanh vào bờ, gọi điện thoại cho ông Thượng rồi xin tiền của một chủ bãi cát gần đó trốn về quê. Vụ tai nạn đã khiến trụ cầu số 2 bị gẫy, sập hai nhịp cầu Ghềnh.         

3 người liên quan đến việc lái sà lan tông sập cầu Ghềnh.
3 người liên quan đến việc lái sà lan tông sập cầu Ghềnh.

Hoài niệm về một cây cầu

Những ngày qua, ông Bùi Thanh Ân (63 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) ngồi một mình bên bờ sông Đồng Nai đưa mắt về cây cầu Ghềnh bị sà lan tông sập mà thẫn thờ. Khi được hỏi thì ông Ân cho biết, ông có rất nhiều kỷ niệm với cây cầu lịch sử này. Giọng trầm buồn ông kể, vào năm 1983 khi ông đang công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai thì được điều động về bảo vệ cây cầu Ghềnh và giữ chức vụ Đội trưởng. Thời điểm đó cây cầu Ghềnh không chỉ là tuyến huyết mạch của đường sắt Bắc – Nam, mà còn là đường giao thông đường bộ.

“Khi được phân công về đây, lòng tôi rất hạnh phúc vì vinh dự được bảo vệ cây cầu rất đẹp, gắn liền với thăm trầm của lịch sử cù lao Phố. Mỗi buổi chiều tôi thường ngồi trên cầu ngắm cảnh sông nước thấy lòng bình yên. Vì vậy trong thâm tâm của tôi luôn tự hứa phải bảo vệ cây cầu này. Chính vì thế mà trong thời gian làm bảo vệ, tôi đã thường xuyên nổ súng bắn chỉ thiên để bắt giữ những chiếc tàu, sà lan lưu thông trên sông có nguy cơ làm hư hỏng cây cầu. Dù 4 năm làm bảo vệ, không phải là thời gian dài nhưng với tôi, cây cầu Ghềnh như một phần máu thịt của mình”, ông Ân chia sẻ.

Biết thông tin cây cầu Ghềnh gắn liền với nhiều kỷ niệm của mình bị sập, lòng ông Ân buồn vô vọng. Ông buồn rười rượi như không tin vào chính tai của mình. Vì vậy, ông đã đến cây cầu để nhìn “vết thương” mà lòng quặn xót.

Ga Biên Hòa đang chịu áp lực vận chuyển hành khách Bắc - Nam
Ga Biên Hòa đang chịu áp lực vận chuyển hành khách Bắc - Nam

 

 

Bỗng dưng nhộn nhịp

Trong hai ngày 21 và 22/3, các cơ quan, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bó lại dây cáp viễn thông và cắm lại biển báo hướng dẫn trên đường Hưng Đạo Vương (TP Biên Hòa), tuyến đường dẫn thẳng vào Ga Biên Hòa. Lực lượng công an, quân sự cũng được tăng cường tối đa để điều tiết giao thông, đảm bảo trật tự an ninh khu vực. Nhân viên của nhà ga cũng được tăng cường toàn lực để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cho khách.

Ghi nhận của chúng tôi tại Ga Biên Hòa, công tác vận chuyển hành khách vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, do Ga Biên Hòa trở thành ga vận tải hành khách cuối cùng trên hành trình Bắc – Nam một cách bất đắc dĩ, cộng với số lượng nhân viên phục vụ được tăng cường, đã khiến nhà ga này trở nên chật chội hơn ngày thường.

Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, kể từ 13 giờ 30 phút ngày 20/3 đến 14 giờ ngày 21/3, tổng công ty đã thực hiện chuyển tải cho 5.000 hành khách an toàn từ Ga Biên Hòa đến TPHCM. Về công tác vận chuyển hàng hóa, trước mắt có hơn 1.000 tấn hàng hóa nhận vận chuyển của khách hàng đã được bốc xếp từ Ga Sóng Thần (Bình Dương) về Ga Hố Nai (Đồng Nai).

Vừa điều khiển đoàn tàu SE7 từ miền Bắc đỗ khách xuống Ga Biên Hòa vào lúc 15 giờ 30 phút chiều 21/3, ông Đặng Ngọc Quát, Trưởng tàu SE7 cho hay: “Với tình huống bất khả kháng như thế này, tôi động viên anh em trên tàu cố gắng phục vụ hành khách chu đáo. Bản thân tôi và anh em cũng hơi mệt khi sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra, nhưng cũng nỗ lực hết mình theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành đường sắt”.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, các nhân viên của Công ty CP tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển đã đưa thiết bị 3D (thiết bị dùng để quét chướng ngại vật dưới nước) vào hiện trường vụ sập cầu Ghềnh để dò quét và xác định vị trí, cũng như hiện trường phần chìm dưới mặt nước của cầu Ghềnh nhằm đưa ra phương án trục vớt tối ưu nhất.

Theo kỹ sư Nguyễn Tân Sơn (Công ty CP tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển), đây là thiết bị dò quét chướng ngại vật dưới nước hiện đại bậc nhất hiện nay. Thiết bị này có khả năng dò quét được các chướng ngại vật dưới nước ở độ sâu lên đến cả ngàn mét. Khi rà quét, thiết bị này sẽ thu lại những hình ảnh của chướng ngại vật bên dưới, sau đó truyền về hệ thống máy tính ở trên để cung cấp các hình ảnh chính xác nhất của vật bị chìm. Ngoài thiết bị trên, Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển còn đưa thêm máy hồi âm độ sâu để cùng với thiết bị trên cung cấp đầy đủ hình ảnh phần cầu chìm để có phương án trục vớt.

 

Các phương án khôi phục tuyến đường sắt

Ngày 22/3, Tổng Công ty đường sắt đã công bố cho hành khách phương án kinh doanh trong điều kiện hiện tại cho đến lúc khôi phục xong cầu. Hiện Tổng công ty rút bớt 2 đôi tàu Thống Nhất, còn lại 3 đôi tàu chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn (đến Ga Biên Hòa rồi trung chuyển và ngược lại). Cụ thể, các chuyến tàu này được chuyển tải giữa Ga Biên Hòa và Ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương).

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sẽ đầu tư thêm cho Ga Biên Hòa và Ga Sóng Thần để đảm bảo chuyển tải hành khách an toàn và thuận lợi. Đơn vị sẽ không dùng ô tô chuyển tải khách từ Ga Sài Gòn đến Ga Sóng thần vì sợ kẹt xe, mà dùng tàu để vận chuyển khách, rồi từ Ga Sóng Thần mới dùng ô tô chuyển tải khách đến Ga Biên Hòa.

Đối với tàu hàng, ngành đường sắt đã khảo sát tại Ga Hố Nai và Ga Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Hiện tại, do chưa cải tạo Ga Hố Nai, nên năng lực xếp dỡ hàng chỉ mới đáp ứng được 2 đôi tàu, trong khi nhu cầu lên đến 7 đôi tàu. Trong khoảng 20 ngày tới, Tổng Công ty đường sắt sẽ khẩn cấp lắp đặt thêm những đường xếp dỡ tại 3 ga: Long Khánh, Trảng Bom và Hố Nai để đảm bảo ít nhất 5 đôi tàu xếp dỡ, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu lượng hàng hóa hiện nay.

Về phương án khắc phục cầu Ghềnh, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án và Bộ GTVT đã chọn phương án 2, với thời gian khôi phục cầu kéo dài trong vòng 3,5 đến 4 tháng. Đối với phương án này, đơn vị tư vấn có 2 kịch bản. Kịch bản 1 là giữ lại trụ cầu cho thay thế cả 3 nhịp; sử dụng dầm vòm 75m giống với cầu cũ và kịch bản này phải làm thêm nhịp 1, nhịp 3, không phải gia cố 2 trụ: T1, T3 còn lại.

Đây là phương án đảm bảo cho an toàn khai thác và chủ động hoàn toàn khâu thiết kế. Đơn vị thi công có thể sớm triển khai sản xuất các dầm thép trong vòng 2 tháng rưỡi; hai trụ chính giữa sông sẽ được làm bằng cọc bê tông cốt thép khoan nhồi, toàn bộ mố cũ được giữ lại.

Kịch bản 2 làm tương tự như kịch bản 1, nhưng sẽ nâng tối đa cầu lên trong điều kiện có thể để tăng tĩnh không thông thuyền (tăng khoảng 1,2m so với hiện tại).

Riêng vấn đề trục vớt cầu, hiện cũng đã có đơn vị đưa ra phương án thứ nhất là cắt nhịp bị gãy rồi di dời vào trong bờ và phương án thứ hai là cắt nhỏ từng phần rồi đưa vào. Với phương án cắt ngầm, sẽ tốn thời gian khoảng 15 ngày, còn phương án thứ hai sử dụng phương pháp cắt trên không, tức là dùng 2 cẩu 250 tấn treo kết cấu lên, sau đó cắt thành từng khối 30 tấn rồi di dời vào bờ. Phương án này trong vòng 10 ngày đơn vị thi công sẽ hoàn tất.

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi tố, bắt giam 3 nghi can vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO