(TN&MT) - Một thời gian dài, thị trường bất động sản bị thao túng bởi các dầu nậu và sự hạn chế của chính sách, nên để tiếp tục phát triển hơn nữa thị trường tiềm năng một cách lành mạnh, thực chất, cần tiếp tục thay đổi chính sách, pháp luật đã ban hành.
Thị trường bất động sản bị thao túng . Ảnh: Hoàng Minh |
Chưa ổn định, lợi ích nhóm chi phối
Tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, thời điểm này, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro, một bộ phận phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Nguồn vốn cho thị trường này chưa đa dạng, chủ yếu từ ngân hàng, vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư còn thấp, kiểm soát tín dụng đầu tư gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư vay vốn qua công ty con, công ty liên kết.
Nguyên nhân do cơ cấu bất động sản hiện nay chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp trong khi thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Một số doanh nghiệp đầu tư nhiều vào phân khúc nhà ở cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa quan tâm đến nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.
Ông Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kinh tế và Phát Triển Quỹ đất (Bộ TN&MT) cho biết, để đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản, Luật Đất đai 2013 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với trước đây nhằm phù hợp với thực tế. Tuy vậy, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hệ thống pháp luật liên quan về đất đai, đấu thầu, đầu tư, có những điểm chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, thực tế xuất hiện một số mô hình mới như: condotel (sự kết hợp của mô hình căn hộ và khách sạn), officetel (công trình văn phòng kết hợp lưu trú)… chưa có quy định cụ thể chi tiết điều chỉnh cho các địa phương và việc thực hiện văn bản còn hạn chế ở nhiều góc độ như: Quy hoạch chậm, chất lượng không cao, thiếu tầm nhìn nguồn lực chưa được khai thác đầy đủ. Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, và sử dụng không đúng mục đích...
Hoàn thiện các văn bản pháp quy
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, để giải quyết những điểm nghẽn chủ yếu cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản. Hiện, Bộ Xây dựng đang thực hiện đề án đánh giá thị trường, đồng thời, có sự chuyển hướng, đổi mới tư duy về một số vấn đề quan trọng trong quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, chú trọng công cụ về thuế, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mới để hạn chế việc sử dụng đất đô thị với mật độ thấp, gây lãng phí, phát triển thị trường theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, cần tiếp tục, rà soát hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, các quy định liên quan đến một số vấn đề mới phát sinh trong thực tế như: Căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài, nhất là rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật ban hành bởi các Bộ, ngành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khắc phục các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Xem xét tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản; có chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong lĩnh vực chuyển nhượng các dự án bất động sản.
Ông Hùng kiến nghị, Bộ TN&MT nghiên cứu đề xuất cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thị trường bất động sản về giao đất, cho thuê đất và đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo hướng đơn giản, thuận lợi cho chủ đầu tư và người dân.
Bộ Xây dựng sớm xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015; công bố các Chỉ số đánh giá thị trường bất động sản theo định kỳ để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước và định hướng thị trường, góp phần tăng tính hiệu quả của các dự án đầu tư, giảm thiểu việc đầu cơ bất động sản. Đồng thời, sớm ban hành văn bản hướng dẫn về tiêu chí phân loại nhà ở theo phân khúc cao cấp, trung cấp, bình dân giá rẻ để phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.
Tuyết Nhi