(TN&MT) - Trong cuộc mưu sinh trên sông nước, cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đúc kết nhiều kinh nghiệm thuận chiều thích ứng với điều kiện môi trường dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Mưu sinh trên vùng đất trầm thủy
Ông Trương Quang Hoài Nam, được tăng cường từ Bắc vào Nam giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết người thân, bạn bè của ông vô ai cũng thích khám phá đặc trưng sông nước ĐBSCL. Họ thích di chuyển bằng đường thủy, ngắm cảnh, hóng gió trên sông, thưởng thức ẩm thực trên nhà hàng nổi, nghe đời ca tài tử, tham quan chợ nổi…
Sở dĩ chợ nổi thu hút thị hiếu khám phá của du khách là vì đó là điểm nhấn khai mở, khái quát hiện trạng đặc trưng thích ứng của cư dân trong cuộc mưu sinh tại vùng đất trầm thủy, chịu ảnh hưởng chế độ nhật triều và bán nhật triều xuyên suốt xưa nay. Điểm hình thành chợ nổi thường là nơi giáp nước, giao nhau của các dòng sông, nhiều ghe, tàu neo đậu chờ con nước đổi chiều để di chuyển và phát sinh nhu cầu sinh hoạt, trao đổi giao thương. Không chỉ có chợ nổi Cái Răng, Phong Điền của Cần Thơ, ở ĐBSCL có rất nhiều chợ nổi từ Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), đến Ngã Bảy (Hậu Giang), Sông Trẹm (Cà Mau)…
Chợ nổi tập hợp nhiều phương tiện vận tải đường thủy lớn nhỏ, hình thức hoạt động chính là giao thương, mua bán các loại hàng hóa nông thủy sản, tiêu dùng. Trong các loại phương tiện ở chợ nổi có một loại hình thích nghi sông nước rất đặc biệt, khó có phương tiện hiện đại nào thay thế được, đó là những chiếc ghe bán giống thủy sản. Lòng ghe giống thủy sản ngập sâu dưới lòng sông, bên trong chứa nước, thả con giống thủy sản vừa nuôi dưỡng vừa bán, trên mặt ghe bố trí như một căn nhà, đảm bảo sinh hoạt cho cả gia đình, sinh sống, buôn bán quanh năm trôi nổi theo hệ thống sông rạch chằng chịt khắp vùng, bất kể thời tiết mưa, nắng, mực nước lên cao hay xuống thấp.
Những chiếc ghe bán con giống thủy sản gần giống những căn nhà bè và có mối quan hệ chặt chẽ với các làng bè nuôi thủy sản trong việc cung ứng các loại giống để thả nuôi trực tiếp trên sông. Hình thức nuôi thủy sản trong nhà bè phát triển phổ biến tại các vị trí gần cù lao từ thượng nguồn đến cuối nguồn sông Tiền, sông Hậu. Không rõ tự bao giờ nhưng làng bè nổi tiếng nhất hiện nay, hàng ngày, thu hút hàng trăm lượt du khách tham quan - làng bè cồn Sơn (trên sông Hậu, thuộc quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) mới hình thành từ khoảng hai chục năm nay.
Làng bè cồn Sơn có vài chục nhà bè, vèo nuôi thủy sản, người được cho là khởi sự nghiệp sớm nhất ở làng bè này là vợ chồng ông Lý Văn Bon (Bảy Bon). Gần hai mươi năm trước, ông Bảy Bon quyết định từ bỏ công việc cán bộ hải quan, bồng chống gia đình từ miệt U Minh (Cà Mau) lên Cần Thơ đầu tư đóng bè thả xuống sông Hậu làm nơi sinh sống cho gia đình bằng nghề nuôi thủy sản. Quyết định của vợ chồng Bảy Bon bắt nguồn từ lời khuyên của Tiến sỹ Philippe Serene (Tổng Giám đốc Công ty PROCOCO) - một chuyên gia thủy sản sinh thái người Pháp, có quá trình nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là thủy sản sông Mê Công. “Philippe Serene khuyên tôi rằng, hãy nuôi cá trên sông Mê Công mà sống và sẽ phát triển tốt vì môi trường nguồn nước thuận lợi và cả thế giới đều thích ăn cá sông Mê Công” - Bảy Bon nói.
Giờ thì gia đình Bảy Bon đã xây dựng cả trại giống, cơ sở chế biến, thường xuyên có cả chục nhân công, với mấy chục bè, vèo nuôi các loại thủy sản giá trị kinh tế cao, như thác lác, chép Nhật, lươn, trạch lấu, trạch lửa, cá sóc sọc… cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ ở TP. Cần Thơ, các tỉnh lân cận và chuyển đi TP. HCM. Nghĩ về hoàn cảnh gia đình, bàn về khả năng ứng phó với tình huống nước biển ngày càng xâm lấn sâu vào trung tâm đồng bằng, ông Bảy Bon rất yên tâm: “Mấy năm nay, hạn hán, lưu lượng dòng chảy trên sông Mê Công giảm, nước mặn vô gần tới bến Ninh Kiều nhưng thành phố đã có hệ thống quan trắc tư động chất lượng nước mặt trên sông, cảnh báo. Mình đo độ mặn thường xuyên. Nếu mặn vô tới đây, mình có thể dời bè đến vị trí an toàn kịp thời. Trong tình huống cần thiết, mình có thể điều chỉnh cơ cấu giống nuôi cho phù hợp. Không có gì là quá khó khăn bế tắc”.
Thích nghi với đồng bằng non trẻ
Một trong những nhà khoa học sinh ra, trưởng thành tại miền Tây, PGS. TS Dương Văn Ni (giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ), thấu hiểu tập quán của người dân địa phương, cũng tỏ ra bình thản: “Trước đây vào mùa nước nổi có nơi ngập tới mười mét chứ không phải một, hai mét như bây giờ, mà người ta vẫn sống được. Người ta sống trên các nhà bè, vừa thả cá, vừa sinh hoạt. Nghĩa là người ta không bị gián đoạn một chút nào đối với chuyện nước cao hay thấp. Rồi những vùng nước lên chậm hơn và ngập không quá sâu, người ta cất nhà sàn, hay còn gọi là nhà cao cẳng. Điều đó chứng minh rằng từ nửa thế kỷ trước chúng ta đã có giải pháp xây dựng để thích nghi với một đồng bằng non trẻ, có mặt đất chưa ổn định rồi”.
Không chỉ có những căn nhà sàn làm bằng cây đước, cây mắm san sát ven bờ các dòng sông, cửa biển, ở tiểu vùng bán đảo Cà Mau cư dân đang lùi xa bờ sông, bờ biển, bám theo các trục giao thông bộ để xây nhà sàn kiên cố, ứng phó với các tình huống sạt lở, sóng to, gió lớn. Ông Tiết Minh Hiền, sinh sống ở ấp Tâm Hiệp (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) từ hơn nữa thế kỷ qua, mới đầu tư bạc tỷ xây ngôi nhà sàn kiên cố, nói rằng: “Cất nhà cao cẳng không chỉ thích nghi với triều cường vùng biển này mà nó còn giúp gia đình tôi tận dụng bên dưới để làm bể chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt và trên bể nước có thể đậu xe hoặc buôn bán rất tiện lợi”.
Những ngôi nhà sàn kiên cố đã và đang mọc lên ngày càng nhiều dọc hai bên đường Hồ Chí Minh từ huyện Năm Căn, qua huyện Ngọc Hiển vươn dài về Đất Mũi. “Cả vùng Năm Căn, Ngọc Hiển giờ không ai cất nhà cuốn bó nền như trước nữa vì mực nước biển dâng ngày càng cao khi triều cường, nước mặn ngấm vào ảnh hưởng đến nền móng công trình, gây ngập nhà, hư hại tài sản. Bà con đều chuyển qua xây nhà sàn kiên cố cả rồi” - ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc một công ty xây dựng ở Cà Mau, nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển - Trần Hoàng Lạc, mô hình xây dựng nhà sàn kiên cố đang diễn ra phổ biến là do chính quyền tỉnh và huyện khuyến khích. Chính quyền chủ trương, chỉ đạo áp dụng mô hình nhà sàn khi xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, cụ thể là đã áp dụng mô hình nhà sàn để xây dựng trụ sở của UBND các xã. Cán bộ, cơ quan chức năng tư vấn, khuyến cáo bà con xây dựng nhà sàn ngay từ khi bà con xin phép xây dựng nhà mới. Nhờ đó, bà con trên địa bàn đa phần đều cất nhà sàn, tránh được triều cường, nước biển dâng cao.
Quả thật, có dịp khám phá đặc trưng sông nước ở ĐBSCL người ta sẽ thấy tập quán mưu sinh trôi nổi trên sông nước của cư dân châu thổ Cửu Long rất sinh động, với nhiều giá trị gợi mở để nghiên cứu, xác định giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển bền vững vùng đất này trong tương lai.