Khởi công xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh

09/12/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 9/12, tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tổ chức Lễ khởi công Dự án Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam và triển khai xây dựng trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh đầu tiên tại Trạm Khí tượng nông nghiệp Mộc Châu.

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát biểu tại Lễ khởi công Dự án.
Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát biểu tại Lễ khởi công Dự án.

Tham dự lễ khởi công có Lãnh đạo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mộc Châu, đại diện nhà thầu, đại diện đơn vị thi công...

Mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam đã được nghiên cứu, đề xuất và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo Quyết định số 2117/QĐ-BTNMT ngày 16/11/2010 và được rà soát, tích hợp trong Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, được phê duyệt theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh là hệ thống gồm 65 trạm thu tín hiệu vệ tinh liên tục 24/24 (Trạm CORS), trong đó có 24 trạm Geodetic CORS và 41 trạm NRTK CORS.

Các trạm CORS thu tín hiệu vệ tinh được phân bố đều trên toàn lãnh thổ Việt Nam, liên tục thu tín hiệu vệ tinh từ các hệ thống định vị toàn cầu như GPS, GLONASS, BeiDou, Galileo... và truyền về trạm trung tâm để xử lý dữ liệu. Tại trạm trung tâm, số liệu được kiểm tra, đánh giá và xử lý để tạo ra các sản phảm số liệu dịch vụ như số liệu xử lý sau, số liệu hiệu chỉnh thời gian thực cấp cho người dùng, đồng thời lưu trữ số liệu sẵn sàng tại máy chủ phục vụ người sử dụng truy cập và sử dụng theo quyền truy cập được phân cấp.

Các trạm Geodetic CORS trên toàn lãnh thổ Việt Nam gồm 24 trạm, khoảng cách giữa các trạm liền kề từ 150-200 km, làm cơ sở xây dựng khung tham chiếu quốc gia cũng như cung cấp số liệu độ chính xác cao phục vụ cho các mục đích nghiên cứu dịch chuyển bề mặt trái đất và cảnh báo những biến động theo thời gian của lớp vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực. Mốc lắp đặt ăng ten thu tín hiệu vệ tinh tại các trạm Geodetic CORS được xây dựng với chân đế mốc khoan sâu khoảng 30m, gắn với tầng ổn định tại các trạm khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bố đều trên toàn Việt Nam.

Mũi khoan đầu tiên khởi công xây dựng trạm định vị toàn cầu tại Mộc Châu, 1 trong 24 trạm Geodetic CORS
Mũi khoan khởi công xây dựng trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh đầu tiên tại Mộc Châu, 1 trong 24 trạm Geodetic CORS

Các trạm NRTK CORS gồm 41 trạm, kết hợp với 24 trạm Geodetic CORS để hình thành mạng lưới trạm CORS Việt Nam với 65 trạm. Khoảng cách giữa các trạm dao động từ 50-70km, làm nền tảng cho việc tính toán, cung cấp số liệu hiệu chỉnh phục vụ các ứng dụng đo động thời gian thực với độ chính xác cao từ 2-4cm trên thực địa. Với số lượng 41 trạm, các trạm NRTK CORS được bố trí phủ chùm các vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong thời gian tới đây là đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Miền Trung và Nam Bộ. Tất cả các trạm NRTK CORS đều được bố trí tại các trạm khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, với mốc lắp đặt ăng tên thu tín hiệu vệ tinh được xây dựng ổn định.

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam khẳng định: Đây là công trình có ý nghĩa và quan trọng với ngành đo đạc bản đồ Việt Nam. Việc xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh sẽ làm thay đổi một cách cơ bản hệ thống hạ tầng cơ sở về đo đạc và bản đồ của Việt Nam. Việc thu nhận số liệu, cấp phát số liệu cho đo lưới khống chế trắc địa, cung ứng dịch vụ cho đo đạc chi tiết bản đồ trên phạm vi rộng bằng công nghệ định vị vệ tinh theo phương thức mới sẽ hướng công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, kỹ thuật truyền dẫn số liệu cũng như những bước tiến mới của các hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên thế giới.

Các đại biểu tham dự Lễ khởi công
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công

Với hệ thống này, việc đo đạc, cập nhật, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính sẽ nhanh hơn và đồng bộ về độ chính xác, giảm thời gian thực hiện...

Trong quá trình triển khai thi công, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức phân công đơn vị quản lý, cán bộ lãnh đạo phụ trách cụ thể các hạng mục, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công; đảm bảo thi công đúng chất lượng, tiến độ theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và cơ sở hạ tầng trạm khí tượng thủy văn đã có tại các vị trí xây dựng trạm định vị vệ tinh.

Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi công xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO