Đây là một trong những nội dung quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT quy định về xuất khẩu khoáng sản của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, khoáng sản được phép xuất khẩu phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Có tên trong danh mục và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng tại Phụ lục 1 của Thông tư này; có nguồn gốc hợp pháp.
Theo đó, sản phẩm được cho là có nguồn gốc hợp pháp thuộc các trường hợp sau: Khoáng sản được khai thác, chế biến từ các mỏ, điểm mỏ có giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; khoáng sản nhập khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan cửa khẩu nhập khẩu thể hiện tại tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu; khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại; đối với khoáng sản tịch thu, phát mại phải có các chứng từ hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, phiếu xuất kho, biên bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá.
Khoáng sản muốn xuất khẩu phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của pháp luật |
Thêm vào đó, sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến từ các nguồn khoáng sản hợp pháp nêu trên phải phù hợp với công nghệ chế biến của cơ sở chế biến.
Đối với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng ngoài việc đảm bảo các điều kiện nêu tại Khoản 1 và 2 Điều 4 của Thông tư 12 phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.
Trong trường hợp cá biệt, đối với khoáng sản chuyển ra nước ngoài để phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ Công Thương, kèm theo hồ sơ liên quan: Báo cáo về sự cần thiết phân tích, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ; phương án xử lý đối với sản phẩm sau khi nghiên cứu, thử nghiệm; hợp đồng hoặc văn bản hợp tác nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao công nghệ; hồ sơ chứng minh nguồn gốc khoáng sản.
Theo Báo Hải Quan