Khoáng sản vật liệu xây dựng: Thất thoát do buông lỏng quản lý

14/05/2014 00:00

(TN&MT) - Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD)...

(TN&MT) - Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD). Tuy nhiên, thời gian gần đây việc khai thác khoáng sản này không được quản lý chặt chẽ làm lãng phí nguồn tài nguyên.
   
  Theo kết quả thăm dò, tổng tiềm năng đá vôi là 1.754 tỷ tấn, trong đó đá vôi để sản xuất xi măng trữ lượng 44.738 triệu tấn, đất sét xi măng là 7.601 triệu tấn, phụ gia hoạt tính cho xi măng có trữ lượng 3.947 triệu tấn, cao lanh 849 triệu tấn… Dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD đa dạng, phong phú, trong những năm qua ngành công nghiệp VLXD nước ta đã được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng khoáng sản VLXD còn nhiều vấn đề bất cập. Tính đến nay, cả nước đã khai thác và đưa vào sản xuất hơn 3 tỷ nguyên liệu để sản xuất VLXD, hàng trăm núi đá vôi, đá garanit, đá cẩm thạch, đá bazan đã được khai thác nhưng không có tái tạo. Nhiều mỏ đá vôi tại địa phương sau khi khai thác hết, hiện trường chỉ là đống ngổn ngang, không được phục hồi môi trường như cam kết ban đầu trong giấy phép khai thác. 
   
Đá vôi trắng được khai thác ngổn ngang
    
   
  Thời gian gần đây, rộ lên tình trạng khai thác cát trái phép trên các sông lớn như sông Lô, sông Mã, sông Hương hay những vụ tai nạn nghiêm trọng tại các khu khai thác mỏ đá vôi khiến chính quyền địa phương nhanh chóng thành lập các đoàn kiểm tra thực tế. Kết quả, kiểm tra đến đâu đều phát hiện sai phạm lớn đến đó. Điển hình tại tỉnh Lai Châu, đầu tháng 4/2014 qua đợt kiểm tra 47 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản VLXD trên địa bàn 7 huyện cho thấy: Có18/47 đơn vị hết hạn hoặc không có giấy phép khai thác khoáng sản; 21/47 đơn vị không có bản cam kết bảo vệ môi trường...
   
  Theo đánh giá của các chuyên gia khoáng sản, xảy ra tình trạng lộn xộn trên là do công tác quản lý khai thác khoáng sản làm VLXD tại địa phương còn nhiều hạn chế. Việc thực thi Luật Khoáng sản 2010 với bản Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 chưa được quán triệt đến cơ sở.
   
  Cấp phép khai thác và quản lý khai thác khoáng sản còn chồng chéo giữa cơ quan Trung ương và địa phương, cấp phép theo lối “xin, cho” gây nhũng nhiễu, phiền hà. Thời gian cấp phép khai thác ngắn 2 - 4 năm, nhiều giấy phép cấp cho các đơn vị không đủ năng lực đầu tư công nghệ, thiết bị, cho khai thác và bảo vệ môi trường.
   
  Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn cho rằng, do có một số mỏ khoáng sản làm VLXD tại các địa phương được cấp phép khai thác manh mún, nhỏ lẻ. Công tác quản lý kiểm tra hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường còn bị xem nhẹ. Năng lực tổ chức, quản lý khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD của các tổ chức cá nhân được cấp phép thông thường tại các địa phương còn yếu.
   
  TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng: Dự kiến nhu cầu sản xuất VLXD trong nước đến năm 2020 lên đến 10 tỷ tấn. Nếu không quản lý chặt chẽ khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD thì hiệu quả kinh tế mang lại không đủ bù đắp những tổn hại từ việc khai thác tài nguyên gây ra. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm tổ chức nghiên cứu xây dựng và phổ biến quy trình, quy phạm, công nghệ thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản làm VLXD và phục hồi môi trường các mỏ sau khi kết thúc giai đoạn khai thác. Nhanh chóng nghiên cứu rà soát ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong khâu khai thác khoáng sản phù hợp với giai đoạn phát triển khoa học công nghệ hiện nay. Ngoài ra, địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ môi trường trong khai thác và hoàn thổ, kịp thời xử lý sai phạm để đưa công tác khai thác khoáng sản làm VLXD vào quỹ đạo vừa đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, vừa tiết kiệm được tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên…
   
  Bài và ảnh: Minh Anh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoáng sản vật liệu xây dựng: Thất thoát do buông lỏng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO