“Khó thở” vì lò đốt than

25/12/2013 00:00

Thời gian gần đây, các hộ dân trên địa bàn xã Krông Buk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm vì nhiều lò đốt than củi

(TN&MT) - Thời gian gần đây, các hộ dân trên địa bàn xã Krông Buk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) phải hít thở bầu không khí ô nhiễm vì nhiều lò đốt than củi luôn trong tình trạng rực lửa hoạt động nguyên ngày nguyên đêm. Dư luận bức xúc vì đời sống sinh hoạt, sức khỏe bị ảnh hưởng nhưng để di dời những lò than này là điều không hề dễ dàng.
   
Sống chung với khói, bụi
   
  Chủ yếu sống dựa vào nguồn thu nhập từ lò đốt than nhưng vì không được đầu tư đúng mức nên hầu hết lò than của các gia đình trên địa bàn xã Krông Buk đều vi phạm về môi trường. Đa số các lò đốt than đều nằm ở khu vực đông dân cư, một số lò còn được xây dựng sát vách với 3, 4 dân xung quanh.
   
  Dạo một vòng quanh xã mới hiểu vì sao người dân lại bức xúc với các lò đốt than đến thế. Nhìn chung các lò đốt ở đây đều là lò thủ công, tường rào xung quanh được xây dựng vô cùng sơ sài, thậm chí, một số lò chỉ dùng bạt che chắn tạm bợ. Khu vực gần các lò, mùi khét do củi cháy bốc lên khó chịu, muội than bay tứ tung. Để có được một mẻ than, chủ than sẽ phải đốt và ủ gần 1 tháng. Vậy là, để có mẻ than hoàn tất thì trước đó, nguyên cả khoảng thời gian dài mọi người, nhất là trẻ em phải sống chung với khói và bụi. Theo phản ánh của người dân, cứ mỗi khi lò than hoạt động là y như rằng không khí bị ô nhiễm, người dân khó thở vì mùi hôi khét bốc hăng hắc, gia đình nào xui xẻo nằm trúng hướng gió thì coi như chịu đày đọa. Trời dù có nóng nực cũng phải đóng cửa kín mít. Nắng đã khổ, mưa còn khổ hơn bởi khi trời mưa, khói không thoát lên được mà bay sát đất khiến toàn ngôi nhà được bao phủ trong làn khói và bụi. Anh Trần Cư, tại thôn 9, xã Krông Buk, có nhà nằm cách lò than khoảng 10m tỏ ra bức xúc: “Nhà tôi có con nhỏ suốt năm nay lúc nào cháu cũng bị ho do không khí ô nhiễm. Gia đình có người trông nom nhưng ngày nào vợ tôi cũng phải đưa lên quán tạp hóa cách nhà khá xa để tránh nạn. Ngày trước mới hoạt động, các chủ lò than không hề quan tâm đến việc xử lý khói trước khi thải ra môi trường nên tình trạng ô nhiễm rất nặng. Sau một thời gian bị chúng tôi nói nhiều nên mấy tháng nay, các chủ lò có có xây lắp ống khói nhưng lại thiết kế thấp, sơ sài, không thu được hết khói nên khói bụi và mùi hôi vẫn không giảm là bao”.
   
Hầu hết các lò than trên địa bàn xã Krông Buk đều xây dựng tạm bợ, sơ sài và đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
    
   
Lơ môi trường vì thiếu kinh phí
   
  Trao đổi với ông Trần Thỏa Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Buk, ông cho biết, hiện ở xã có 5 cơ sở đốt than với 13 lò của các hộ Nguyễn Văn Tình ở thôn 4 (4 lò), Phan Hồng Điệp ở thôn chợ (2 lò), Nguyễn Sáu ở thôn 9 (3 lò đặt tại buôn Kla), Trần Thị Ái Loan ở thôn 9 (2 lò) và Trần Thị Ái Ly ở thôn 9 (2 lò). Các lò than này hoạt động gần 1 năm nay, quy mô 7 m3 than/mẻ. Chính quyền đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường của các lò than đang hoạt động trên địa bàn. Vừa rồi, huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành 1878. Qua công tác kiểm tra 5 cơ sở đốt than củi tại xã Krông Buk, kết quả cho thấy: 1 cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cả 5 cơ sở đều chưa đăng ký thuế và chưa thực hiện đúng nội dung cam kết về bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện Krông Pak hiện có khoảng 40 lò đốt than củi, hầu hết đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như: không có tường ngăn cách, tường chống ồn, ống khói, quạt thông gió và không tưới nước thường xuyên lên nền. Tuy nhiên, để bảo đảm các tiêu chuẩn này cần phải có nguồn kinh phí lớn nên các chủ cơ sở chế biến thường làm lơ. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pak: Phòng đã xử phạt hộ kinh doanh Phan Hồng Điệp theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức 1.250.000 đồng. Trước đó, Công an huyện cũng đã phát hiện và xử phạt 4 cơ sở còn lại do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường với mức tương tự.
   
  Hiện địa phương sẽ hướng dẫn các cơ sở này thực hiện đúng các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường đã ký với huyện, nếu các cơ sở tiếp tục vi phạm huyện sẽ tiến hành xử phạt nặng hoặc đình chỉ hoạt động. Vì các hộ gia đình sản xuất than chủ yếu sống nhờ vào nguồn thu nhập từ lò đốt than nên quan điểm của huyện Krông Pak là sẽ tạo điều kiện cho một số cơ sở đặt tại rẫy cà phê xa dân cư được hoạt động nhằm tạo thu nhập cho người dân, đồng thời tìm phương án tạm thời di dời các cơ sở này ra xa khu dân cư để tránh gây ô nhiễm môi trường.
   
Tuệ Minh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khó thở” vì lò đốt than
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO