Khó khăn trong quản lý chất thải xây dựng ở TP Pleiku

29/11/2015 00:00

(TN&MT) - Khi TP. Pleiku ngày càng phát triển, rõ ràng việc quy hoạch một bãi thải phế thải xây dựng là điều hoàn toàn cần thiết để bảo vệ môi trường, cảnh quan...

 

(TN&MT) – Nhịp độ phát triển của Gia Lai đang ngày càng lớn, các công trình xây dựng mọc lên càng nhiều khiến lượng chất thải xây dựng cũng tăng nhanh, chiếm đến 10% chất thải rắn đô thị. Trong khi ngành chức năng tỉnh Gia Lai vẫn chưa có quy hoạch hay quy định nào về việc quản lý cũng như xử lý loại chất thải này, thì nơi thải bỏ nó được chủ công trình đổ trộm ở những bãi đất trống hay những nơi vắng người, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mĩ quan đô thị.

“Tiện đâu đổ đó”

Trở thành đô thị loại II vào năm 2009, TP. Pleiku đang phấn đấu tiến lên đô thị loại I vào năm 2020. Cùng với đó, các công trình xây dựng, tòa nhà cao tầng trên địa bàn thành phố liên tục mọc lên, đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố đứng thứ 3 trong khu vực Tây Nguyên. Khi việc chỉnh trang đô thị được ưu tiên như hiện nay, lượng rác thải rắn xây dựng thải ra với số lượng lớn là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng “tiện đâu đổ đó” chính xác là cái cách mà nhiều người dân ở Gia Lai đang áp dụng đối với việc xử lý loại chất thải nguy hại này.

Đối với các công trình lớn, xây dựng nhiều tầng, các vữa gạch bê tông (còn gọi là “xà bần”) của những công trình cũ đập ra được chủ thi công công trình hợp đồng cho xe tải đến vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó được chở đi đổ ở đâu thì không ai quan tâm đến. Do đó, thường bãi đáp cuối cùng của nó sẽ là một bãi đất trống nào đó nằm ở vùng ven đô thị, lâu dần biến những bãi đất này thành bãi thải, gây ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan đô thị.

Hơn thế, việc lén lút đổ trộm xà bần vào ban đêm cũng gây ra không ít phiền phức cho  nhiều người dân. Bà Phạm Thị Huệ, một người dân sống tại phường Thống Nhất (TP. Pleiku, Gia Lai) than phiền: “Có hôm, mới sáng mở cổng ra ngoài tôi đã thấy ngay một đống gạch vữa xi măng thải đổ trước cổng. Loại rác thải này không được thu gom hằng ngày như rác thải sinh hoạt nên gia đình tôi lại phải hốt đem đi đổ bỏ nơi khác. Người ta còn chở đến đổ lén ở khu đất trống cách nhà tôi 200m, lâu dần chỗ đó cũng thành một bãi rác mi ni ngay mặt đường, tập hợp cả những rác thải sinh hoạt hằng ngày, rất ô nhiễm mà còn không đẹp mắt”.

Còn nhiều bất cập, lúng túng

Gạch, vữa xi măng thải bỏ được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy. Thế nhưng việc quản lý và xử lý nó tại Gia Lai lại chưa được các ngành chức năng của tỉnh  quan tâm đúng mức. Đến hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa có bãi rác thải dành cho loại chất thải xây dựng. Tại TP. Pleiku, xà bần được đổ chung với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt của thành phố.

Theo ông Nguyễn Thanh Trung – Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, hiện trạng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay đều mang tính tự phát và chưa được quản lý, thống kê cụ thể. Chất thải này phát sinh từ các công trình xây dựng, chủ yếu là nhà ở. Với địa hình dốc như Gia Lai, người dân thường tận dụng gạch, vữa xi măng để san nền đất và đôn cao địa hình nên số lượng chất thải xây dựng thải ra không nhiều. “Chất thải này khó phân hủy, nhưng ít gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là phát sinh bụi bặm và chiếm nhiều diện tích. Tuy nhiên, ghi nhận của ngành chức năng là chưa có tình trạng người dân đổ xà bần ra nơi công cộng hoặc làm ngăn cản dòng chảy”, ông Trung nói.

Quản lý chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng gặp rất nhiều khó khăn và còn nhiều bất cập. Do công trình xây dựng có quá nhiều nên cơ quan chức năng không thể năm bắt hết tất cả các công trình. Mặc dù, khi các công trình tiến hành xây dựng đều phải qua Phòng Quản lý đô thị để xin giấy phép và kí yêu cầu bắt buộc hợp đồng với Công ty công trình đô thị để xử lý chất thải, nhưng đa số các nhà thầu thường thuê xe tải vận chuyển xà bần đi đổ bỏ, và khoảng cách giữa công trình với nơi thải bỏ thường cách xa nhau nên rất khó để kiểm soát.

“Việc quản lý và xử phạt được giao cho cấp xã, phường nếu phát hiện hành động thải bỏ chất thải xây dựng không đúng nơi quy định. Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku cũng đang xây dựng kế hoạch quản lý chất thải rắn, phế thải xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào năm 2016. Theo kế hoạch này, Phòng sẽ tham mưu UBND thành phố quy hoạch một bãi chứa chất thải và xử lý bằng hình thức chôn lấp. Đồng thời siết chặt quy định về việc thải bỏ chất thải, phế thải xây dựng để không gây ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Thanh Trung nói thêm.

Khi TP. Pleiku ngày càng phát triển, rõ ràng việc quy hoạch một bãi thải phế thải xây dựng là điều hoàn toàn cần thiết để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Bài & ảnh: Quế Mai

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong quản lý chất thải xây dựng ở TP Pleiku
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO