Khí thải ngành điện toàn cầu đã đạt đỉnh

Khánh Ly| 13/04/2023 14:17

(TN&MT) - Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember vừa công bố Báo cáo Đánh giá Điện năng toàn cầu hàng năm lần thứ tư. Kết quả đánh giá cho thấy, phát thải của ngành điện có thể đã “đạt đỉnh” vào năm 2022 và đó cũng là năm cuối cùng chứng kiến sự phát triển của điện năng sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Báo cáo trích dẫn dữ liệu điện năng năm 2022 từ 78 quốc gia, chiếm 93% nhu cầu điện toàn cầu. Nguồn dữ liệu mở và phân tích chuyên sâu của báo cáo cung các đánh giá có mức độ tin cậy cao về quá trình chuyển đổi điện toàn cầu năm 2022.

Theo đó, tính đến hết năm 2022, điện gió và điện mặt trời đã đạt mức kỷ lục, chiếm 12% tổng điện năng toàn cầu (tăng từ mức 10% vào năm 2021). Các chuyên gia nhận định, từ năm 2023, điện gió và điện mặt trời sẽ đưa thế giới vào một kỷ nguyên năng lượng sạch và kéo theo lượng khí thải của ngành điện cũng sẽ giảm.

Năng lượng sạch dự kiến sẽ đáp ứng mọi sự tăng trưởng về nhu cầu điện trong năm nay. Do đó, sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm nhẹ khoảng 0,3%. Mức giảm được dự báo sẽ lớn hơn trong những năm tiếp theo, khi các quốc gia tăng tốc triển khai các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Năng lượng mặt trời là nguồn điện phát triển nhanh nhất trong năm thứ 18 liên tiếp, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 và bổ sung lượng điện đủ để cung cấp cho toàn bộ Nam Phi. Sản lượng điện gió tăng 17% vào năm 2022, đủ để cung cấp điện cho hầu hết Vương quốc Anh.

picture1.png
Điện gió và điện mặt trời đã đạt mức kỷ lục, chiếm 12% tổng điện năng toàn cầu

Dữ liệu cho thấy, hơn 60 quốc gia hiện có sản lượng điện gió và điện mặt trời chiếm trên 10% tổng sản lượng điện của họ.

Theo ông Kingsmill Bond, chuyên gia phân tích tài chính, chuyên gia về chiến lược năng lượng thuộc Viện Rocky Mountain, phân tích của Ember nắm bắt được ‘điểm bùng phát’ quan trọng trong hệ thống điện toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió, dẫn đầu là Trung Quốc, có nghĩa là nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đã đạt đỉnh và tất cả sự tăng trưởng trong tương lai sẽ chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Đã đến lúc các nhà đầu tư phải điều chỉnh việc phân bổ vốn cho môi trường mới này.

Sự tăng trưởng trong sản xuất điện gió và điện mặt trời năm 2022 đã đáp ứng 80% mức tăng nhu cầu điện năng toàn cầu. Điều này đã hạn chế mức tăng sản lượng điện than (chỉ tăng 1,1%), bất chấp cuộc khủng hoảng khí đốt và nguy cơ tăng cường sử dụng trở lại than đá. Sản lượng điện khí giảm rất nhẹ (giảm 0,2%) vào năm 2022.

Tổng cộng tất cả các nguồn điện sạch (năng lượng tái tạo và điện hạt nhân) chiếm 39% tổng điện năng toàn cầu, một mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, điện than vẫn là nguồn điện lớn nhất trên toàn thế giới, chiếm 36% sản lượng điện toàn cầu năm 2022.

Ông Damilola Ogunbiyi, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Năng lượng bền vững, Đồng chủ tịch của tổ chức UN-Energy nhận định, sự chênh lệch trong việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn đang nghiêng về phía các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các nước đang phát triển không bị bỏ lại phía sau, và "mắc kẹt" với mức phát thải khí nhà kính lớn.

Thực tế, điện than vẫn là nguồn điện lớn nhất trên toàn thế giới, với sản lượng chiếm 36% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2022, điều đó có nghĩa là ngành điện vẫn chưa đi đúng hướng trong thực hiện các mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào giữa thế kỷ. Do đó, cần triển khai các nhu cầu về năng lượng gió và năng lượng mặt trời một cách mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nữa.

Năm 2022, sản lượng điện từ năng lượng hóa thạch đã tăng 183 TWh (+1,1%), lập kỷ lục mới. Do đó, lượng khí thải CO2 của ngành điện đã tăng 160 triệu tấn (+1,3%), đạt mức cao kỷ lục 12,431 tỷ tấn CO2 tương đương. Cường độ phát thải đang đi đúng hướng, nhưng lượng phát thải tuyệt đối vẫn chưa giảm. Điều này có nghĩa là ngành điện vẫn chưa thấy mức cắt giảm phát thải cần thiết để đạt mức 0 ròng.

Theo mô hình của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành điện cần chuyển từ ngành phát thải cao nhất thành ngành đầu tiên đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, để giúp toàn bộ nền kinh tế thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Điều này có nghĩa là sản lượng điện gió và điện mặt trời cần chiếm 41% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030, so với 12% vào năm 2022. Trong thập kỷ này, lượng phát thải cần giảm trung bình 7,6%/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khí thải ngành điện toàn cầu đã đạt đỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO